LẮNG NGHE TỪ HAI PHÍA

Cập nhật lúc: 15:35 25/06/2019

Lắng nghe từ hai phía

Trong đơn kiện xin ly hôn có số điện thoại của cả hai vợ chồng. Tôi gọi họ lên để giao thông báo thụ lý vụ án. Từ đây, khi họ đã đến Tòa, tất cả các giấy triệu tập, thông báo phiên họp kiểm tra công khai chứng cứ và hòa giải, việc nhận các quyết định, tôi đều giao trực tiếp để họ ký nhận.

Trước khi là các thủ tục để họ ghi bản tự khai, tôi sơ bộ hỏi han để nắm rõ sự tình. Như trong bệnh viện gọi là khám tổng quát ban đầu, trước khi xác định bệnh và hướng điều trị. Trong vụ án ly hôn, sơ bộ nắm được nguyên nhân, mức độ mâu thuẫn, để có hướng động viên họ đoàn tụ, hoặc hướng khác.

N, người vợ: “ Tôi không chịu đựng được nữa. Điều này đã âm ỷ từ lâu, ngay từ khi lấy nhau. Anh ta gia trưởng, độc đoán, quyết hết mọi thứ, hạch sách, vặn vẹo đủ thứ; hở ra là chửi mắng. Khi tôi im lặng thì anh hỏi: “ cô bị câm à”, khi tôi tranh cãi, cũng bị mắng: “ bố mẹ tao cũng không bao giờ chửi mắng tao, mày là thứ gì mà mắng tao?”. Tiền nong, chi tiêu, chợ búa, anh ta nắm hết, chả bao giờ bàn bạc hay giao tiền cho tôi.

Có hai cô con gái chung, lớn lớp 9 và nhỏ lớp 2, thì hỏi nguyện vọng các cháu muốn ở với ai thì tùy.

Tài sản chung thì đất ở và đất rẫy, bố chồng cho nhưng không làm thủ tục sang tên, vẫn đứng tên bố, chúng tôi chỉ đóng góp công sức làm ngôi nhà trên đó ( khoảng năm chục mét vuông). Có hai ki ốt ở chợ thuê của Nhà nước, bằng tiền của vợ chồng làm ra.

Nguyện vọng của tôi là ly hôn tôi ra đi người không, giao hai cháu cho anh ta nuôi, phần công sức đóng góp làm nhà và giá trị hai ki ốt ở chợ không chia, để lại anh ta nuôi con”.

V, người chồng: “ Mọi chuyện có gì đâu anh. Tôi là người không chơi bời, nhậu nhẹt hay bài bạc. Cách đây 6 tháng, dịp Nô en, cô ấy đi tập văn nghệ ở thôn, lúc đi không nói một câu gì, khoảng mười giờ đêm, cô về. Tôi nằm trên giường, phía ngoài, cô bước qua tôi vào trong, không hỏi han tôi đã ngủ chưa, hay nói cô đi đâu về. Hôm sau tôi có mắng, tát cô hai cái, cô bỏ về nhà chị gái thôn bên cạnh ở, không về nhà nữa, nhưng hàng ngày vẫn ra ki ốt ở chợ ngồi bán tạp hóa. Tôi đã đến tận nhà chị gái xin lỗi và khuyên nhủ nhưng cô không chịu về.

Chỉ là mâu thuẫn thường tình hàng ngày, chưa có gì gay gắt, tôi muốn đoàn tụ vợ chồng nuôi con”

Tôi đành  đem chuyện  gia đình mình ra để thuyết phục: “ Gia đình tôi cũng như gia đình hai em thôi, nhưng khá hơn một tý. Các em hai con gái, tôi  những ba cô. Lớn học luật năm thứ hai rồi, cô giữa lớp 8, cô út lớp 5. Con gái thì thương bố, hay thủ thỉ với anh lắm. Thấy chúng nó mà thương.

Có dạo anh hay uống nước trà, chơi cờ tướng, tổ tôm chắn cạ với mấy bác hưu trí, đêm về muộn, có lần vợ anh đi tìm hất đổ cả bàn cờ.

Tưởng là anh đầu gối tay kề đêm hôm với cô nào ý mà.

Mặt nặng mày nhẹ, hôm sau anh phải xin lỗi. Dạo này thì anh chừa rồi, tối nào cũng ở nhà với mẹ Đốp.

Vợ chồng nào cũng có lúc đụng độ, như chén bát úp cùng một rổ, hai bên đều cứng thì va chạm, không khéo là đổ vỡ.

Như trong việc này, mâu thuẫn của các em nào có đáng kể gì. N thì có lỗi này: dù xã hội hiện đại, nhưng người phụ nữa ta theo truyền thống, đi đâu nói với chồng một câu nhẹ nhàng: em đi văn nghệ thôn, tẹo nữa về. Lúc về rồi thì dặng hắng một cái hỏi bố mày đã ngủ chưa, em về rồi đây. Ai lại im lặng bước qua người ta như bước qua…cái xác như thế. Như anh trường hợp ấy không điên mới là chuyện lạ.                   

Còn V, em hơi gia trưởng rồi. Vợ nó buồn chuyện gì chẳng nói năng, sao em không chủ động hỏi lúc cô ấy đi: em, cô, hoặc mẹ mày đi đâu đó. Về nó vẫn im thì không biết hỏi em đã về đấy ư?

Thôi, chuyện lặt vặt, hai đứa bỏ qua cho nhau vì cả hai đều thiếu sót. Nếu lỡ vì chuyện nhỏ ấy, hai đứa làm căng, chia tay nhau, không biết thương tụi nhỏ sao?”.

Anh chồng muốn vợ về lắm, nhưng cô vợ nghe chừng tình hình vẫn còn căng lắm!

Tôi kéo riêng anh ta ra nói nhỏ: Xin lỗi nó đi, đồ ngốc ạ.   

Khéo phải triệu tập lên hòa giải vài lần nữa may ra mới ổn.

Nguyễn Trọng Hối