Một Chuyến Đi Xác Minh (Bút ký)

Cập nhật lúc: 15:08 20/06/2019

Một Chuyến Đi Xác Minh

Sáng ra S. đã gọi cho tôi sớm, báo rằng đã hẹn với người buôn trưởng ở nhà để tôi xuống làm công tác xác minh. Xuống địa bàn, nếu không liên lạc hoặc hẹn trước, thì gặp được buôn trưởng là điều rất khó khăn. Họ còn bận mải nương rẫy, có khi tối mới về.

Anh S. năm nay 44 tổi, kết hôn năm 1996 có đăng ký. Cô vợ đã bỏ đi biệt tích từ 2004, để lại hai người con: Cô lớn 18 tuổi thôi học và cậu thứ hai 16 tuổi, học lớp 10. Tòa án đã tiến hành thủ tục tuyên bố mất tích với người vợ, anh đang làm thủ tục ly hôn với người bị tuyên bố mất tích.

Nhiệm vụ của tôi là xác minh xem kể từ khi có quyết định tuyên bố là mất tích, người vợ có xuất hiện lại ở địa phương hay không? Ngoài ra thì niêm yết thông báo thụ lý vụ án, lấy lời khai xem xét về nguyện vọng  người con 16 tuổi.

Báo cáo với lãnh đạo xong thì tôi đi.

Không may là lúc vào tới buôn, người buôn trưởng  do có người nhà báo rằng có con trâu bị đau chân, đã chèo thuyền sang sông tiêm thuốc cho trâu, hẹn độ một tiếng nữa mới về. Tôi bèn yêu cầu S dẫn tôi về nhà.   

 “ Đúng là vô phúc đáo tụng đình anh ạ”. S kể lại tôi mới nhớ, chục năm trước, anh ta là bị hại trong một vụ án hình sự tôi đã xử. Hai người nọ uống rượu xô xát nhau, S nhảy vào can, bị chém vào tay. Bị cáo đã đi cải tạo về, mà vẫn chưa bồi thường thiệt hại cho S.  Cô vợ chê nghèo đã bỏ đi.Yêu cầu tuyên bố mất tích với người vợ , bây giờ là ly hôn với người bị tuyên bố mất tích. Ba lần. Anh ta quả là có duyên nợ với Tòa án và với …Tôi. Toàn là những chuyện không hạnh phúc.

Đến nơi thì gia cảnh của S hiện ra như thế này:     

Một nếp nhà tạm bé xíu khoảng  ba chục mét vuông. Dăm cây điều bơ vơ khẳng khiu bám vào mảnh đất cát bạc màu. Vài vạt rau muống, rau đay, mồng tơi. Dăm vồng bầu vồng bí. Mấy con gà chạy nháo nhác. Một con heo Ê Đê tha thẩn trong sân. Trong nhà, một thùng gỗ đựng lúa kiểu ngoài Bắc, mặt thùng làm bàn ăn cơm, uống nước. Chỉ có khu vực bàn thờ gia tiên là  sạch sẽ.

S nấu nước pha trà, bộ ly chén nhiều loại, phần lớn là sứt mẻ. Ông bố ngoài bảy mươi ngồi ở chõng, mắc chứng nhũn não, suốt ngày cười hề hề, hàng ngày phải phục vụ cơm bưng nước rót, ông không thể tự cầm được chén bát, nhiều khi buông tay là rớt vỡ. Bà mẹ già nhỏ thó, tóc bạc, lúi húi phơi lưới trước sân. Cậu con thứ hai 16 tuổi, một lần đạp xe tới trường, bị người ta xô xe máy rồi bỏ chạy, đi hết bệnh viện tỉnh, bệnh viện Thiện Hạnh, rồi Chợ Rẫy, nay bị di chứng chấn thương sọ não, phải nghỉ học. “ Được cái là bố bảo gì làm nấy, chẳng cãi bao giờ, như Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy anh ạ”.       

Tôi băn khoăn hỏi S: với hai người con ,  hai bố mẹ già, không ruộng rẫy, thì anh xoay xở kiểu gì?  

S thú thực rằng nghề của anh trước đây là đi rừng, lấy trụ tiêu, lấy le về bán cho người làm giàn trồng rau. Bây giờ đóng cửa rừng, vả lại tiêu hạ giá, rau ế ẩm, nghề ấy không được nữa, anh quay sang nghề lưới cá. Cứ hai ba giờ sáng thì đi thả lưới ở Thủy điện, rạng sáng thì về. Hôm nào trúng được con cá lăng hay cá mõm trâu vài ba ký cũng đủ trang trải cho gia đình dăm bữa, nửa tháng.
Tuy phải lọ mọ đêm hôm nhưng sạch sẽ, không vướng vào pháp luật.

Lúc này thì ông buôn trưởng đã về, tôi làm công việc của mình.     

Tôi chuẩn bị ra về thì thấy S đã lễ mễ bê mâm cơm vào. Có cá sông nấu lá giang, cá cơm nấu cà đắng, và một chai rượu trắng. Đúng là nhà làm được.

Tôi vui vẻ mời cả nhà cứ dùng cơm tự nhiên, vì thủ trưởng vừa gọi tôi trở về cơ quan có cuộc họp đột xuất bình xét thi đua. Tôi phải giải thích thêm:

“ Cán bộ Tòa án, không phải việc tang ma hiếu hỷ, sinh nhật, mà ngồi  ăn nhậu  ở nhà dân, nhất lại là đương sự đang có việc ở Tòa, là sai quy định”.

Nhân tiện tôi hỏi thật S khi ly hôn lần này xong xuôi có định tìm hiểu gá nghĩa với ai nữa không?

“ Cũng còn thích lắm anh ạ, nhưng lấy vợ nữa thì phải đẻ con,  mà hàng ngày chỉ trông vào cá nước chim trời, phải cáng đáng ngần ấy người, anh xem liệu tương lai của  gia  đình em sẽ về đâu?”

Nhìn người đàn ông lực lưỡng, thô kệch nhưng thật thà, tôi tin anh ấy thực lòng.

……

Có đi, có mắt thấy tai nghe những góc khuất cuộc đời, những mảnh đời chưa may mắn, mới chứng kiến dân ta còn khó khăn nhiều, còn vất vả trợt mặt trợt mũi trong công cuộc mưu sinh. Mới thấy trân trọng đồng lương hàng tháng của mình mà nhà nước trả, trong đó có tiền thuế dân đóng.

Cũng như có lần đi mua phân bò, khi tôi buột miệng rằng:  “ ở ngoài trời này nóng nhỉ”.

Bà chủ nhà người Ê Đê tươi cười: “ ngoài này nóng nhưng được làm việc, kiếm được tiền nuôi con thì vui anh ạ, hơn là ngồi trong nhà mát mà đói”.

Ông, bà thẩm phán suy cho cùng trước hết cũng là một con người. Đi xuống dân, để thấy lòng mình còn một tình thương và lòng trắc ẩn.

Chớ cứ ngồi lỳ trong phòng máy lạnh, ra những quyết định, bản án hoàn hảo nhưng khô khan, có lẽ chúng ta sẽ trở thành những cỗ máy Tư pháp chăng?

Buôn Đôn ngày 18 tháng 6 năm 2019

Nguyễn Trọng Hối