Người Thẩm phán trẻ.
Cập nhật lúc: 08:46 01/12/2020
Người Thẩm phán trẻ.
Người đàn ông ấy đã lớn tuổi, có dáng người khắc khổ, tấm lưng đã còng, những giọt mồ hôi đang thi nhau đổ xuống gương mặt xạm đen dưới cái tiết trời nắng như đổ lửa. Ông đang nhìn cô, cái nhìn như thể muốn cầu xin một sự giúp đỡ, cái nhìn như thể ông có điều cần nói. Mấy hôm nay, khi Minh đi qua cái ngã tư gần nhà thì đều nhìn thấy người đàn ông ấy. Minh không rõ, người ông muốn gặp có phải là cô không. Lần này, khi Minh vừa xuống xe mở cổng thì ông tiến lại gần. Bất giác Minh lùi lại, người đàn ông ấy nhìn cô, đưa cho Minh một tờ giấy được gấp làm tư.
“ Tôi xin lỗi, biết như thế này là làm phiền cô, nhưng cô cho tôi hỏi nếu có cái này, có phải con trai tôi sẽ được giảm nhẹ tội hơn không cô?”.
Như hiểu Minh đang thắc mắc về điều gì, ông vội giải thích, ông là bố của bị cáo Vi Văn Miền, sắp bị Tòa án xét xử về tội “ Cố ý gây thương tích”. Và cô là người được phân công làm Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa của vụ án đấy. Còn ông, ông chính là người bị hại, với thương tích 31 % được gây ra bởi chính con ông.
Minh nhìn ông, người đàn ông trên đầu vẫn còn quấn băng trắng xóa, mái tóc sợi trắng đã quá nữa đầu.
“ Tạm thời bác cứ về nhà đi, ngày mai bác đến phòng làm việc gặp con. Con sẽ giải thích cho bác. Bác nhớ đi đường cẩn thận nhé”.
Hình ảnh người đàn ông khắc khổ ấy theo Minh vào tận trong giấc ngủ chập chờn.
Sáng nay khi Minh vừa tới phòng làm việc, người đàn ông ấy đã thấp thoáng ngoài cửa phòng. Minh mời bác vào. Đôi bàn tay bác gầy guộc, run run mở xấp giấy được gói cẩn thận trong một cái túi đã ngã màu. Bên trong là một tờ Huân chương kháng chiến hạng nhì, một tờ huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3 đều mang tên ông Vi Văn Mùa. Minh làm biên bản giao nhận lại tất cả những đơn từ mà ông giao nộp.
“ Cô ơi! Nó không muốn đánh tôi đâu, chỉ là trong lúc nóng giận, lại có men trong người nên nó lỡ tay. Xin cô, xem xét giảm cho nó hình phạt nhẹ nhất, tôi già rồi, không biết đi lúc nào. Lỡ tôi đi, nó còn chưa ra tù được thì ray rứt lắm”
Nói xong người đàn ông ấy khóc, bàn tay gầy guộc lại đưa lên quẹt ngang dòng nước mắt.
Minh cũng là một người làm mẹ, nên Minh hiểu nỗi đau, niềm ray rứt mà ông ấy đang phải chịu. Minh lại thở dài. Nắng hôm nay hình như đến sớm hơn, gay gắt hơn.
Hôm xét xử, hội trường chật kín người. Người đàn ông ấy ngồi ghế dành cho người bị hại, con trai ông cúi gằm mặt xuống nói lời xin lỗi bố. Hai bố con cùng khóc. Những giọt nước mắt muộn màng cho sự nông nỗi, không kiềm chế được hành vi.
Mức án 06 năm tù có lẽ không phải quá ngắn để bị cáo nhận ra lỗi lầm của mình. Nhưng giọt nước mắt đã khô của người cha già, chẳng còn biết có đợi được con đến ngày ra trại.
Đồng hồ đã điểm đúng 1 giờ sáng, trên bàn làm việc của Minh là ly cà phê đen không đường chỉ còn trơ lại đáy. Lần nào cũng vậy, khi có hồ sơ cần nghiên cứu là bàn làm việc của Minh không thể thiếu chất cà phê đen đắng ấy.
Sáng nay hình ảnh người đàn bà năm nay đã gần 90 tuổi, lưng còng rạp xuống, đôi chân đi cũng run run xiêu vẹo cùng con trai đến Tòa án để giải quyết tranh chấp đất đai cũng ám ảnh Minh quá đỗi.
Con gái của bà là nguyên đơn trong vụ tranh chấp ấy. Chỉ vì 4m đất mà kiện mẹ ruột ra Tòa. Người đàn bà ấy kể, xen lẫn vào những lời nói ngắt quãng là những tiếng thở dài và những giọt nước mắt trên khuôn mặt chằng chịt những vết nám, vết nhăn. Bà kể 04 m đất xảy ra tranh chấp thực chất là đất của bà, bà chia cho mỗi người con 150 m2 đất làm nhà. Do con trai bà làm cho bà cái sân lấn qua 04 m đất ấy nên xảy ra tranh chấp.
“Tôi từng này tuổi rồi, biết nay sống mai có còn thức dậy được nữa hay không, tôi làm mục đích cũng để cho anh em nó rồi mấy đứa cháu có chỗ chơi cho thoải mái, sạch sẽ. Ai ngờ lại xảy ra chuyện. 23 tuổi, chồng tôi chết. Tôi dành cả cuộc đời nuôi dạy chúng nó. Cả trăm mét vuông đất tôi cho chúng nó còn chẳng tiếc, thì tôi tiếc gì chúng nó, chết rồi tôi cũng có mang được của nả, tiền bạc gì theo đâu. Buồn lắm cô à”.
Bà lại vén tay áo lên thấm những giọt nước mắt đang rỉ ra từ khóe mắt.
Minh gọi bà và con gái, con trai bà lên Tòa án làm việc. Cô phân tích về lý cho cả nguyên đơn và bị đơn. Cô nói cả về cái tình cho mẹ con bà hiểu. Nhưng cô con gái của bà không đồng ý và vẫn yêu cầu bà phải trả lại đất lấn chiếm. Và bà chấp nhận đập hết khoảng sân 04 m mà con trai bà xây lấn qua đất con gái để nó rút đơn khởi kiện. Con gái bà coi như thắng kiện, nhưng liệu lương tâm và trái tim của cô ấy có đau không khi tình mẹ con đã chẳng còn như trước nữa.
Minh cũng thấy cay cay nơi khóe mắt. Làm Tòa án, là những đêm thức trắng nghiên cứu hồ sơ, cùng trăn trở với những điều chưa được làm sáng tỏ. Một khoảng thời gian không phải quá dài nhưng cũng không quá ngắn. Công tác ở Tòa, Minh chứng kiến những tổn thương mà những đứa trẻ phải chịu khi cha mẹ chúng đến Tòa giải quyết ly hôn, chứng kiến cả nỗi đau khổ của những người làm cha làm mẹ khi con cái vướng vào vòng lao lý, chứng kiến cả những giọt nước mắt với nỗi ân hận muộn màng của bị cáo khi nghe Tòa tuyên án. Tất cả những điều ấy càng khiến Minh tâm huyết với nghề hơn, làm việc bằng cả cái tâm của một người cán bộ Tòa án.
12 năm gắn bó với nghề, nghiên cứu cả ngàn hồ sơ vụ án, đưa ra xét xử nhiều vụ án hình sự khiến bọn tội phạm phải cúi đầu nhận tội, hòa giải không biết bao nhiêu vụ án, có nhiều đôi vợ chồng mâu thuẫn và nhất quyết yêu cầu giải quyết ly hôn, nhưng sau khi nghe cô phân tích về tình và lý thì họ đã quay lại đoàn tụ. Sau lưng Minh không chỉ có áp lực cơm áo gạo tiền như bao ngành nghề khác mà là áp lực nghề nghiệp, áp lực về những trọng trách được giao. Dẫu con đường phải đi phía trước còn rất dài và cũng lắm chông gai. Nhưng Minh tin mình sẽ vững bước trên con đường tìm công lý bởi bên cạnh Minh không chỉ cô độc một mình.
Các tin khác
- Cán bộ TAND huyện Ea Súp viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Bàn giao nhà tình nghĩa tặng hộ cận nghèo tại xã Ea Khal, huyện Ea H’Leo
- Phổ biến, giáo dục Pháp luật, vận động nhân dân chấp hành Pháp luật tại buôn Yang Reh, xã Yang Reh, Krông Bông
- Rộn ràng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở buôn kết nghĩa
- Tòa án nhân dân huyện Krông Năng trao sổ tiết kiệm cho các hộ nghèo tại Buôn kết nghĩa