Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột với công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2019-2022
Cập nhật lúc: 16:08 28/09/2022
Ngày 23/9/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2019 – 2022.
Khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc
Qua 4 năm triển khai thực hiện, chương trình đã huy động sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan, ban ngành và cộng đồng trong công tác bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Nhìn chung, công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái đã được các ngành phối hợp, triển khai hiệu quả, bám sát mục đích, các nội dung và nhiệm vụ trong Chương trình. Việc phối hợp, triển khai, vận dụng và tổ chức thực hiện đã đảm bảo được yêu cầu gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, việc phối hợp chỉ đạo giữa các ngành ngày càng sát thực. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đã góp phần tạo hiệu quả tích cực trong răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung cho toàn xã hội, góp phần giảm 11,8% tội phạm xâm hại trẻ em, 18,9 % tội phạm xâm hại phụ nữ so với giai đoạn 2016-2019. Cụ thể: từ ngày 02/07/2019 đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh xảy ra: 127 vụ xâm hại trẻ em gái (Trong đó gồm: 142 đối tượng, 132 em bị xâm hại, đối với xâm hại tình dục: 115 vụ (chiếm 93,70% ), 119 đối tượng, 119 nạn nhân) và 120 vụ xâm hại phụ nữ (Trong đó gồm: 142 đối tượng, 128 nạn nhân). Kết quả điều tra xử lý, xâm hại trẻ em gái: xử lý hình sự: 110 vụ 119 đối tượng, xử lý hành chính: 09 vụ, 14 đối tượng; đang xác minh, điều tra: 08 vụ, 09 đối tượng. Xâm hại phụ nữ: xử lý hình sự 76 vụ, 82 đối tượng; xử lý hành chính 32 vụ, 48 đối tượng; đang xác minh, điều tra 12 vụ, 12 đối tượng.
Phát biểu tại Hội nghị, Đồng chí Trương Thị Đông, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã trình bày tham luận về “Một số vấn đề bảo vệ quyền của phụ nữ trong quá trình giải quyết các vụ án ly hôn tại Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột”. Tham luận đã đánh giá công tác giải quyết các vụ án ly hôn và khẳng định nội dung Chương trình trong giai đoạn 2019 – 2022 vừa qua đã có kết quả đáng khích lệ, đảm bảo được quyền lợi của phụ nữ và trẻ em khi tham gia tố tụng tại Tòa án. Tỷ lệ giải quyết hàng năm đối với loại vụ việc này bình quân đạt 87%. Chất lượng giải quyết các vụ việc đã đạt được yêu cầu, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên đương sự khi tham gia tố tụng trong đó có quyền lợi của người phụ nữ. Tỷ lệ các vụ việc đưa ra xét xử thấp hơn so với việc hòa giải đoàn tụ hoặc công nhận sự tự nguyện ly hôn của các đương sự. Tỷ lệ này cho thấy việc việc giải thích các quy định của pháp luật liên quan, việc định hướng và tiến hành hòa giải trong quá trình giải quyết tại Tòa án đã đảm bảo được quyền lợi chính đáng của các bên khi tham gia tố tụng, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Song, từ thực tiễn xét xử cho thấy, việc bảo vệ quyền của phụ nữ trong quá trình giải quyết các vụ án ly hôn của Tòa án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do: Số lượng vụ việc là tương đối lớn nhưng đội ngũ cán bộ, công chức của đơn vị về số lượng còn bị hạn chế; Các quy định của pháp luật còn nhiều điểm bất cập và đặc biệt là ý thức tự bảo vệ của phần đa phụ nữ còn hạn chế, sự phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em tại một số địa phương còn chưa được quan tâm, can thiệp, xử lý kịp thời. Có không ít trường hợp các thôn, buôn, tổ dân phố, các chi hội phụ nữ, Hội phụ nữ tại một số địa phương không phối hợp cung cấp thông tin mặc dù có cơ sở nắm được những mâu thuẫn của gia đình, những hành vi trái pháp luật của người chồng đối với vợ do tâm lý ngại va chạm, sợ ảnh hưởng, sợ sự khiếu nại của người dân..v..v...
Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Lawsk nói chung và địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, tại tham luận đồng chí Trương Thị Đông đã đề ra một số các giải pháp: Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, có kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình, đặc biệt chú trọng đến truyền thông, giáo dục kiến thức tiền hôn nhân, đời sống gia đình. Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình,... thông qua các hoạt động tại đơn vị, địa phương. Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể đối với hoạt động xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình hoặc trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền về hôn nhân và gia đình của người phụ nữ. Thực hiện và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm luật có liên quan đến gia đình như: Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật trẻ em, Luật phòng – chống bạo lực gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở. Kiến nghị đến cơ quan có thẩm ban hành các quy định pháp luật, hướng dẫn cụ thể về vấn đề lỗi và các nội dung liên quan của Luật Hôn nhân và gia đình để việc áp dụng được toàn diện, triệt để, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nói chung và của phụ nữ nói riêng.…
Người viết: Nguyễn Thị Hải An, Trương Thị Đông, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị My My, Dương Thị Bích Dịu.
Các tin khác
- Phổ biến, giáo dục Pháp luật, vận động nhân dân chấp hành Pháp luật tại buôn Yang Reh, xã Yang Reh, Krông Bông
- Rộn ràng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở buôn kết nghĩa
- Tòa án nhân dân huyện Krông Năng trao sổ tiết kiệm cho các hộ nghèo tại Buôn kết nghĩa
- Tòa án nhân dân huyện Ea Súp phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật
- Ngày hội Đại đoàn kết thắt chặt tinh thần dân tộc