Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử trực tuyến

Cập nhật lúc: 15:40 28/09/2022

Như chúng ta đã biết, xét xử trực tuyến đang là hình thức xét xử được triển khai ở nhiều nước trên thế giới vì tính ứng dụng và hiệu quả của nó đặc biệt trong thời gian dịch bệnh. Thực hiện Công văn số 58/TANDTC-TĐKT ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân tối cao, về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, ngày 26/9/2022 Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tiến hành xét xử trực tuyến đối với 04 vụ án hình sự sơ thẩm, cụ thể:

- Vụ án Nguyễn Minh Thanh, bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự.

- Vụ án Phạm Tuấn Anh, bị truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 251 Bộ luật hình sự.

- Vụ án Trần Phước Thông, bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự.

- Vụ án Võ Ngọc Bảo, bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự.

Hình ảnh 01 phiên tòa trực tuyến tại Tòa án nhân dân
thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: Thanh Tùng)

Các phiên tòa xét xử trực tuyến công khai, kết nối hệ thống trực tuyến từ điểm cầu trung tâm - Hội trường xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đến điểm cầu thành phần - Hội trường xét xử, Nhà tạm giữ Công an thành phố Buôn Ma Thuột. Trong quá trình chuẩn bị cho công tác xét xử trực tuyến, Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột nhận được sự giúp đỡ quý báu của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kỹ thuật; nhận được sự phối hợp của Công an thành phố Buôn Ma Thuột, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột hoàn thành việc xét xử 04 vụ án nêu trên, đảm bảo các nguyên tắc của Bộ luật tố tụng hình sự, quyền tranh tụng của bị cáo và người tham gia tố tụng khác được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình tổ chức, thực hiện phiên tòa trực tuyến, chúng tôi nhận thấy một số ưu điểm, hạn chế của phiên tòa trực tuyến so với hình thức xét xử trực tiếp hiện nay, cụ thể:

* Về ưu điểm:

- Việc xét xử trực tuyến đảm bảo quy định của pháp luật tố tụng, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về áp dụng khoa học, kỹ thuật, thúc đẩy công nghệ số trong xét xử.

- Xét xử trực tuyến không tập trung đông người trong cùng một không gian, thời gian nên hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, việc phân tán con người giúp dễ dàng kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.

- Tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; hạn chế việc người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa vì lý do phải di chuyển từ nơi cư trú đến địa điểm mở phiên tòa trực tiếp.

- Giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng có thể phát sinh từ việc đi lại, di chuyển hồ sơ, vật chứng,…đến địa điểm mở phiên tòa.

- Tạo điều kiện để đông đảo người dân quan tâm đến vụ việc có thể theo dõi quá trình xét xử mà không bị giới hạn số lượng như phòng xử án thông thường, nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân, đặc biệt là những đương sự ở các khu vực xa trung tâm.

- Các phiên tòa được ghi âm, ghi hình và lưu trữ làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm.

- Hỗ trợ Thẩm phán, bất kể ở khu vực địa lý nào, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả hơn. Hỗ trợ bộ phận hành chính tư pháp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được dễ dàng hơn.

* Tuy nhiên, xét xử trực tuyến là nội dung mới nên quá trình tổ chức, thực hiện phiên tòa trực tuyến vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc:

- Tổ chức phiên tòa trực tuyến là hình thức xét xử với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đòi hỏi phải có một hệ thống công nghệ, phương tiện, trang thiết bị hiện đại, chất lượng kết nối tốt để phiên tòa không bị gián đoạn. Tuy nhiên, trên thực tế khi tổ chức phiên tòa trực tuyến thì cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, đường truyền giữa các điểm cầu chưa đảm bảo sự ổn định, chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là xét xử các vụ án hình sự phải kết nối với cơ sở giam giữ còn gặp khó khăn. Do đó, để triển khai rộng rãi cũng cần có nguồn kinh phí lớn để đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kĩ thuật.

- Hiện tại, TAND cấp huyện (kể cả TAND thành phố Buôn Ma Thuột) chưa có phòng xét xử trực tuyến, phải sử dụng thiết bị họp giao ban trực tuyến để phục vụ công tác xét xử tại điểm cầu trung tâm; thiết bị xét xử trực tuyến tại điểm cầu thành phần phải mượn toàn bộ của TAND tỉnh Đắk Lắk; trong quá trình tháo dỡ, lắp đặt, vận chuyển thiết bị và vận hành hệ thống cần nhiều thời gian, chi phí và nhân lực.

- Để đảm bảo về chất lượng đường truyền trong quá trình xét xử, TAND thành phố Buôn Ma Thuột phải ký hợp đồng lắp đặt mới đường truyền in-ter-net với đơn vị viễn thông, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí trong quá trình lắp đặt.

- Trong hoạt động xét xử quan trọng nhất là tranh tụng, do đó việc xét xử trực tuyến đòi hỏi đội ngũ những người tiến hành tố tụng phải chuyên nghiệp; người dân am hiểu và tôn trọng pháp luật, trong khi đó ý thức chấp hành phiên tòa, tranh tụng, tính thượng tôn pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, điều đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng xét xử. Trường hợp người tham gia tố tụng không biết cách chia sẻ chứng cứ họ có được khi tham gia xét xử trực tuyến, hoặc cố ý không tham gia phiên tòa nhưng đổ lỗi cho yếu tố kỹ thuật thì cũng khó đáp ứng điều kiện về tổ chức và chất lượng phiên tòa.

- Vì khoảng cách địa lý nên việc gửi các thủ tục tạm giam cho bị cáo sau khi phiên tòa trực tuyến kết thúc cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

Dù xét xử trực tuyến đang là xu thế chung nhưng đây là vấn đề mới, cần bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần từng bước rút kinh nghiệm mới áp dụng phổ biến, tùy vào các điều kiện bảo đảm về nhân lực, về phương tiện kỹ thuật và các điều kiện khác để đạt hiệu quả cao nhất.

* Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc đã nêu, chúng tôi kiến nghị một số nội dung sau:

- Đề nghị TAND tối cao có đề án trình Quốc hội để sớm ban hành Nghị quyết về trình tự, thủ tục quy định đối với phiên tòa trực tuyến.

- Kiến nghị TAND tối cao chủ trì xây dựng văn bản phối hợp liên ngành giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Thông tin và truyền thông và đặc biệt là Bộ Tài chính trong công tác tổ chức các phiên tòa trực tuyến.

Trên đây là một số nội dung trao đổi, vướng mắc trong công tác tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, thực tiễn từ TAND thành phố Buôn Ma Thuột. Kính mong Quý bạn đọc góp ý để bài viết được sâu sắc hơn.

Duy Dương