Bài học đắt giá cho hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả

Cập nhật lúc: 14:49 09/07/2024

Hiện nay tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng đang diễn biến phức tạp và xuất hiện trong hầu hết mọi lĩnh vực, trôi nổi trên thị trường, trở thành một vấn nạn không chỉ riêng đối với các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Sáng ngày 27/6/2024, Tòa án nhân dân huyện Krông Năng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Trương Cao Kỳ, Nguyễn Văn Tiến, Trần Văn Toản về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Vĩnh Kỳ có địa chỉ trụ sở tại 354/47/16 Quốc lộ 1A, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để chế biến, kinh doanh sản phẩm cà phê bột. Theo Giấy chứng nhận kinh doanh thì Công ty do bà Trịnh Thị Minh Tân là người đại diện theo pháp luật, nhưng trên thực tế chồng của bà Tân là Trương Cao Kỳ (Trưởng chi nhánh Công ty TNHH Tân Vĩnh Kỳ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) là người trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Quá trình hoạt động, Công ty đã làm 03 Bản tự công bố sản phẩm mặt hàng cà phê bột và được Trung tâm phân tích kỹ thuật cao Sài Gòn kiểm nghiệm đạt chất lượng đã công bố, trong đó tất cả đều có hàm lượng Caffeine > 1,0%.

Quá trình sản xuất, nhằm mục đích thu lợi bất chính, đến tháng 4/2023, Kỳ đã trực tiếp chỉ đạo cho nhân viên là Nguyễn Văn Tiên và Trần Văn Toản giảm hàm lượng cà phê, tăng hàm lượng đậu nành, bắp và các hương liệu, chất phụ gia theo tỉ lệ cà phê giảm xuống còn khoảng từ 09 đến 10%, còn lại là đậu nành, bắp và các hương liệu, chất phụ gia để tiến hành sản xuất cà phê bột giả mang các nhãn hiệu đã đăng ký như Coffee Nhật Nguyên 1, Coffee Nhật Nguyên 2; Coffee Nhật Nguyên 3, Tân Nhật Nguyên…, tất cả đều không có hàm lượng caffeine hoặc nếu có thì hàm lượng caffeine < 0,155%, thấp hơn 70% thông tin chất lượng in trên mẫu bao bì của các nhãn hiệu cà phê trên và không đạt hàm lượng caffeine theo tiêu chuẩn Quốc gia về cà phê bột. Số cà phê giả được Kỳ vận chuyển đi bản lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk.

Ngày 20/7/2023, nhân viên của Kỳ vận chuyển 1.242 gói cà phê bột với tổng trọng lượng 621 kg đi tiêu thụ. Khi đang thực hiện việc bán sản phẩm tại xã Phú Xuân, huyện Krông Năng thì bị Cơ quan cảnh sát Điều tra công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại kho sản xuất, nơi làm việc của Trương Cao Kỳ tại Chi nhánh Công ty TNHH Tân Vĩnh Kỳ, phát hiện và thu giữ 12.830 gói cà phê bột với tổng trọng lượng là 6.415 kg và các công cụ, phương tiện và nguyên liệu sản xuất cà phê giả.

 

Sau khi phân tích đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi phạm tội, trên cơ sở xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo, Hội đồng xét xử đã xử phạt bị cáo Trương Cao Kỳ 10 năm 06 tháng tù, các bị cáo Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Văn Toản mỗi bị cáo 10 năm tù.

Ngọc San – Công Hà