Bài học đắt giá cho việc phá rừng lấy đất canh tác

Cập nhật lúc: 04:53 12/12/2023

Ngày 19 tháng 9 năm 2023, tại hội trường Ủy ban nhân dân xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm đối với 04 bị cáo Nguyễn Việt Hảo, Nguyễn Thị Phương Trang, Y Moŏk Knul, Y Cương Hlong về hành vi chặt cây, phát dọn cây rừng lấy đất canh tác.

Các bị cáo tại phiên tòa

Thiếu đất canh tác thì phá rừng lấy đất, câu chuyện tưởng chừng chỉ có những ở những năm 90 ấy lại xảy ra xảy ra ở xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, trở thành bài học nhiều người không thể quên.

Vào một ngày cuối tháng 3 năm 2023, Nguyễn Thị Phương Trang (em vợ của Hảo) tỉ tê tâm sự với Nguyễn Việt Hảo về việc mình không có đất để canh tác. Nghe em vợ bảo vậy, Hảo nói với Trang để Hảo gọi người lên khu vực Bầu Núi thuộc thôn 2, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana chặt cây, phát dọn cây rừng lấy đất canh tác thì Trang mừng lắm. Hai người thỏa thuận,Trang sẽ trả chi phí cho Hảo để thuê người dọn cây và chia cho Hảo 02 đến 03 sào để canh tác khi xong việc.

Sau buổi nói chuyện với Trang, Hảo nhanh nhẹn thuê Y Moŏk Knul, Y Cương Hlong là những người dân tộc Êđê ở Buôn Tung 3, xã Buôn Triết, huyện Lắk đi chặt phát cây. Y Moŏk Knul, Y Cương Hlong nói chỉ nhận chặt phát cây ở rừng cũ (dạng rừng đã bị khai phát, tái sinh) chứ không nhận làm nếu có cây rừng mới (dạng rừng nguyên sinh). Hảo đồng ý, ba người đã lên khu vực đất Bầu Núi để xem xét, thấy khu vực này có một số cây gỗ tạp như muồng, mức, cây lồ ô, tre, nứa, cây cỏ, dây leo thì Y Moŏk Knul và Y Cương Hlong đồng ý chặt, phát dọn cây rừng cùng với Hảo.

Nhận việc xong, Y Cương Hlong lấy của Hảo 100.000 đồng để đi mua dao rựa. Ngày 30/3/2023, Hảo cùng Y Moŏk Knul và Y Cương Hlong đi lên khu vực Bầu núi bắt đầu chặt, phát dọn cây. Khi đi chặt phá cây rừng Hảo mang theo 01 cây dao rựa và 01 cái cưa tay, Y Moŏk Knul và Y Cương Hlong mỗi người cầm theo 01 cây dao rựa để chặt, phát dọn các loại cây tre, nứa, lồ ô, dây leo, cây cỏ.  Hảo cùng Y Moŏk Knul và Y Cương Hlong đã phát dọn ở khu vực này trong thời gian 03 ngày. Hậu quả là 0,74 ha (7.400m2) rừng bị phá hoại hoàn toàn.

Đây là vụ án có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trên địa bàn huyện. Các bị cáo đa phần đều nghỉ học từ sớm, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án diễn ra vào ngày 19 tháng 9 năm 2023, tại hội trường Ủy ban nhân dân xã Quảng Điền, huyện Krông Ana,tỉnh Đắk Lắk với sự theo dõi của nhiều người dân.

Từ những tình tiết vụ án cho thấy hoàn cảnh khó khăn và đáng cảm thông của các bị cáo. Động cơ, mục đích phạm tội xét cho cùng cũng xuất phát từ nhu cầu có đất để canh tác với mong muốn thoát khỏi nghèo đói. Tuy nhiên chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà dẫn đến hành vi phạm tội và bị đưa ra xét xử. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã ghi nhận hoàn cảnh các bị cáo. Sau khi xem xét khách quan, công minh toàn bộ nội dung vụ án, 4 bị cáo bị tuyên phạt mức án từ 15 đến 24 tháng tù.

Hội đồng xét xử tuyên án

Phiên tòa kết thúc để lại nhiều dư âm. Nguyễn Việt Hảo, Nguyễn Thị Phương Trang, Y Moŏk Knul, Y Cương Hlong đã nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật; bà con Nhân dân trên địa bàn thêm một lần nắm bắt, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ rừng phòng hộ, tránh lặp lại hành vi “hủy hoại rừng”. Từ vụ án này, có lẽ các cấp chính quyền địa phương cần nhìn nhận, đánh giá lại về việc bố trí quỹ đất sản xuất, tạo sinh kế cho người dân ở các vùng đặc biệt khó khăn.

Lê Thị Thu Hoài – Lê Hữu Soái