Biết trước dự án, thu mua đất rồi nhờ người khác đứng tên nhận tiền bồi thường gây thiệt hại tiền tỷ cho Nhà nước
Cập nhật lúc: 11:48 11/05/2023
Ngày 19/4/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với:
Các bị cáo Trương Phú Định (sinh năm 1970, tại tỉnh Thanh Hóa; trú tại: Buôn Vân Kiều, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk); Dương Văn Trường, Trần Thị Hường (cùng sinh năm 1972 và trú tại: Thôn 4, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) và bị cáo Phạm Văn Chính (sinh năm 1958, trú tại: Thôn 6C xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo Hoàng Văn Lập (sinh năm 1966, trú tại: Thôn 4, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) và Lê Thành Nguyên (sinh năm 1983, trú tại: Thôn 12, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nội dung vụ án như sau:
Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, khi biết được chủ trương thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ thuộc hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, bị cáo Trương Phú Định đã mua đất của các hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau đó nhờ bị cáo Phạm Văn Chính và Dương Văn Trường, Trần Thị Hường và được các bị cáo này đồng ý đứng tên trên các hồ sơ nhận bồi thường, hỗ trợ và ký xác nhận về nguồn gốc đất, quá trình canh tác sử dụng đất không đúng, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền 2.359.762.640 đồng. Trong đó:
Các bị cáo Dương Văn Trường và Trần Thị Hường mặc dù không phải là chủ sử dụng, không trực tiếp canh tác, sản xuất và cũng không có nguồn thu nhập ổn định từ của thửa đất số 19, trích đo địa chính số 14, thuộc thôn 6C, xã Cư Elang, huyện Ea Kar diện tích 21.024,6 m2 nhưng khi được bị cáo Định nhờ đứng tên chủ sử dụng đất và hồ sơ nhận bồi thường, hỗ trợ và ký xác nhận về nguồn gốc đất, quá trình canh tác sử dụng đất thì các bị cáo Trường, Hường vẫn đồng ý dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ sai gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước với số tiền 1.219.820.440đồng (trong đó: Bồi thường đất nông nghiệp trồng cây hàng năm: 437.532.840 đồng; Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm: 720.000.000 đồng; Hỗ trợ ổn định đời sống: 22.287.600 đồng; Sắn công nghiệp đến tuổi trưởng thành: 40.000.000 đồng). Và được bị cáo Định trả 22.000.000 đồng tiền công.
Ảnh: Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Bị cáo Phạm Văn Chính mặc dù không phải là chủ sử dụng của thửa đất số 72, trích đo địa chính số 14, thuộc thôn 6C, xã Cư Elang, huyện Ea Kar; diện tích 18.427,7 m2 nhưng khi được bị cáo Định nhờ đứng tên chủ sử dụng đất và hồ sơ nhận bồi thường, hỗ trợ và ký xác nhận về nguồn gốc đất, quá trình canh tác sử dụng đất thì bị cáo Chính vẫn đồng ý dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ sai gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước với số tiền 1.139.942.200 đồng (trong đó: Bồi thường về đất nông nghiệp trồng cây hàng năm 397.973.520 đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm 663.289.200 đồng; hỗ trợ hộ nghèo: 24.000.000 đồng; hỗ trợ ổn định đời sống 17.830.080 đồng; cây Sắn công nghiệp đến tuổi trưởng thành 36.849.400 đồng).
Đối với bị cáo Lê Thành Nguyên là Công chức địa chính thuộc UBND xã Cư Elang, huyện Ea Kar từ năm 2009 đến năm 2018 được phân công nhiệm vụ phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ea kar, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ea Kar thực hiện các nội dung về kê khai đất đai, tài sản trên đất, kiểm kê về đất đai, kiểm kê tài sản trên đất, xác nhận và chịu trách nhiệm về nguồn gốc, tính hợp pháp về đất đai và tài sản trên đất của người bị thu hồi đất để lập phương án bồi thường khi thu hồi đất. Tuy nhiên, Nguyên đã thiếu trách nhiệm mà thực hiện không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao, xác nhận không đúng thực tế về chủ sử dụng đất mang tên hộ Dương Văn Trường đối với Thửa đất số 19, Trích đo địa chính số 14, thuộc thôn 6C, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, diện tích 21.024,6 m2 đất, gây thiệt hại 1.219.820.440 đồng; xác nhận không đúng về nguồn gốc sử dụng đất đối với Thửa đất số 72, Tờ trích đo địa chính số 14, diện tích 18.424,7 m2 đứng tên hộ Phạm Văn Chính, gây thiệt hại 1.139.942.200 đồng.
Đối với Hoàng Văn Lập là Chủ tịch UBND xã Cư Elang giai đoạn năm 2011-2016: Đã có hành vi ký xác nhận không đúng thời gian vào Giấy sang nhượng đất rẫy và hoa màu của Dương Văn Trường, Trần Thị Hường với Vi Văn Bằng, Mai Thị Hòa (thời điểm mua bán là năm 2014 nhưng Lập lại ký xác nhận là năm 2007); diện tích đất chuyển nhượng tại thời điểm này thuộc quy hoạch khu tái định cư hồ chứa nước Krông Pách Thượng, nhưng Lập không kiểm tra thông tin mua bán, vị trí, hiện trạng thửa đất mua bán, thời điểm mua bán, dẫn đến việc Dương Văn Trường, Trần Thị Hường, Trương Phú Định sử dụng nộp cho cơ quan bồi thường để chiếm đoạt tiền của Nhà nước là 1.219.820.440 đồng.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trương Phú Định 14 năm tù, bị cáo Dương Văn Trường 07 năm tù, bị cáo Phạm Văn Chính 05 năm tù, bị cáo Trần Thị Hường 03 năm tù cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Xử phạt bị cáo Lê Thành Nguyên 03 năm tù và bị cáo Hoàng Văn Lập 02 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các tin khác
- Phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án dân sự sơ thẩm
- Lắk: Xét xử rút kinh nghiệm vụ án: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
- Xét xử rút kinh nghiệm vụ án: “Tàng trữ trái phép chất ma túy” xảy ra tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk
- Hình phạt thích đáng cho bị cáo vì coi thường pháp luật đối với hành vi: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” xảy ra tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
- Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến.