Cái giá phải trả cho cặp vợ chồng coi thường Pháp luật

Cập nhật lúc: 10:31 05/09/2022

Ngày 25/8/2022, Tòa án nhân dân huyện Krông Ana mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo Nguyễn Văn Lượm, sinh năm 1964 và Phạm Thị Mười, sinh năm 1972; nơi cư trú: Buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk; bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Ana truy tố về tội “Không chấp hành án” theo quy định tại khoản 1 Điều 380 Bộ luật hình sự.

Nội dung vụ án:

Ngày 05/12/2016, vợ chồng Nguyễn Văn Lượm và Phạm Thị Mười ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Phòng giao dịch Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk để vay vốn số tiền 1.000.000.000 đồng, hạn trả nợ ngày 02/12/2017. Để đảm bảo khoản vay trên, Nguyễn Văn Lượm và Phạm Thị Mười đã thế chấp cho Ngân hàng 03 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến hạn trả nợ, mặc dù Ngân hàng đã đôn đốc nhiều lần nhưng Nguyễn Văn Lượm và Phạm Thị Mười không trả theo cam kết nên Ngân hàng đã khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk để giải quyết. Tại bản án số 01/2019/DS-ST ngày 22/02/2019, Tòa án nhân dân huyện Krông Ana tuyên xử buộc Nguyễn Văn Lượm và Phạm Thị Mười phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng số tiền gốc và tiền lãi là 1.245.138.888 đồng; Trong trường hợp Nguyễn Văn Lượm, Phạm Thị Mười không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Không đồng ý với Bản án số 01/2019/DS-ST ngày 22/02/2019 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, Nguyễn Văn Lượm và Phạm Thị Mười đã kháng cáo đến Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Tại Bản án số 109/2019/DS-PT ngày 05/7/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo của Nguyễn Văn Lượm và Phạm Thị Mười, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 01/2019/DS-ST ngày 22/02/2019 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana.

Vì Nguyễn Văn Lượm và bà Phạm Thị Mười không tự nguyện thi hành bản án nên Ngân hàng đã có đơn yêu cầu thi hành Bản án số 109/2019/DS-PT ngày 05/7/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Sau khi tiếp nhận đơn, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Ana đã thông báo, yêu cầu Nguyễn Văn Lượm và Phạm Thị Mười thi hành bản án nhưng Nguyễn Văn Lượm và Phạm Thị Mười không chịu thi hành án với lý do cho rằng các cơ quan chức năng đã làm sai. Do đó, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành cưỡng chế, kê biên và hợp đồng với Công ty đấu giá Hợp danh Đại An để bán đấu giá tài sản đã được kê biên, theo đó người mua trúng đấu giá là ông Lê Trung Thuyết, sinh năm 1967, trú tại: Số nhà D29, đường Trần Khánh Dư, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngày 17/6/2021, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã bàn giao tài sản nêu trên cho ông Lê Trung Thuyết. Sau khi được nhận tài sản, ông Thuyết chỉ khóa cổng và khóa nhà mà không đến ở, đồng thời cho anh Trịnh Anh Tuấn trú tại thôn 1, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột thuê lại căn nhà và diện tích đất của 03 thửa đất nêu trên để ở và quản lý tài sản. Tuy nhiên, vào tháng 12/2021, trong khi anh Tuấn chưa đến ở, thì Nguyễn Văn Lượm và Phạm Thị Mười đã tự ý phá khóa cổng và khóa nhà rồi vào ở trong nhà. Ngày 10/01/2022, ông Thuyết làm đơn tố giác gửi đến Công an xã Dray Sáp. Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Ana, Nguyễn Văn Lượm và Phạm Thị Mười đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, đồng thời tự nguyện khắc phục hậu quả, bàn giao lại toàn bộ tài sản trúng đấu giá cho ông Lê Trung Thuyết.

Tại phiên tòa các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Sau khi phân tích đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, xem xét các tình tiết giảm nhẹ và nhân thân của bị cáo, Hội đồng xét xử đã xử phạt bị cáo Phạm Thị Mười 07 (Bảy) tháng tù và xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Lượm 06 (Sáu) tháng tù. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những ai thiếu ý thức chấp hành, coi thường pháp luật, trốn tránh, chống đối việc chấp hành bản án.

 

Nguyễn Thị Phương Dung