Gần 30 năm tù cho những đối tượng lười lao động

Cập nhật lúc: 10:53 26/04/2017

Ngày 18/4/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử công khai đối với các bị cáo Trần Thị Kim Dung, sinh năm 1985, Phạm Ngọc Thanh – sinh năm 1981, cùng trú tại hẻm 610 đường Hùng Vương, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột và Bùi Thị Thu Dung, sinh năm 1964, trú tại: Thôn Hòa An (trước đây là thôn Hòa Nam II), xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, Trần Thị Kim Dung và Phạm Ngọc Thanh (sống với nhau như vợ chồng)  mặc dù không phải là cán bộ ngân hàng, không có người quen trong ngành ngân hàng nhưng do ý thức coi thường pháp luật, tham lam tư lợi cá nhân, không muốn lao động nhưng vẫn có tiền để tiêu xài và trả nợ, Dung và Thanh đã đưa ra thông tin gian dối là “có người quen làm trong ngành ngân hàng nên có khả năng giúp vay tiền, đáo hạn tại các ngân hàng rồi dùng các thủ đoạn gian dối như “đóng giả cán bộ ngân hàng hoặc nhờ người khác đóng giả cán bộ ngân hàng” để những người bị hại tin tưởng giao tiền rồi chiếm đoạt. Bằng những thủ đoạn như trên, trong khoảng thời gian từ tháng 01/2015 đến tháng 9/2015, Trần Thị Kim Dung và Phạm Ngọc Thanh đã chiếm đoạt của bà Ngô Thị Mộng D số tiền 82.000.000 đồng, chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Hà T số tiền 10.000.000 đồng, chiếm đoạt của ông Nguyễn Đức P số tiền 60.000.000 đồng, của bà Nguyễn Thị Lệ T số tiền 25.000.000 đồng và chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị T số tiền 5.580.000.000 đồng. Ngoài ra Trần Thị Kim Dung và Phạm Ngọc Thanh còn đưa ra thông tin gian dối là có người quen làm trong trường Đại học Công an thành phố Hồ  Chí Minh, có khả năng xin vào trường học mà không phải thi để lừa đảo chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Huỳnh số tiền 210.000.000 đồng. Tổng số tiền mà Dung và Thanh chiếm đoạt của những người bị hại là 5. 982.000.000 đồng.

Đối với Bùi Thị Thu Dung, tháng 11/2004 bị cáo đã cùng với đồng bọn bàn bạc rồi dùng thủ đoạn gian dối: “đóng giả là người có tên trong các giấy tờ đã đem thế chấp cho Dung trước đây” để đi vay tiền rồi chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Xuân số tiền 14.100.000 đồng. Tuy nhiên, hành vi này của bị cáo chưa bị xét xử do bị cáo bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông dẫn đến mất năng lực nhận thức và năng lực hành vi. Đến tháng 01/2015, Bùi Thị Thu Dung nhờ Trần Thị Kim Dung đóng giả cán bộ Ngân hàng Đông Á – Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk và Phạm Ngọc Thanh đóng giả là người cho vay đáo hạn ngân hàng đến nhà bà Ngô Thị Mộng Duyên để thẩm định tài sản rồi lừa đảo chiếm đoạt của bà D số tiền 15.000.000 đồng. Tổng số tiền mà bị cáo Bùi Thị Thu Dung chiếm đoạt của 02 bị hại là 29.100.000 đồng.

Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần số 64/KL – GĐTC ngày 19/8/2016 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên – Bộ Y tế tại tỉnh Đắk Lắk kết luận như sau: Về y học: Trước, trong và sau khi gây án (ngày 20/01/2015) và hiện tại Bùi Thị Thu Dung bị bệnh: Rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn khác do bệnh não và rối loạn chức năng não (F07.8 – ICD10); về pháp luật: hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Tại phiên tòa, căn cứ tính chất, mức độ hành vi phạm tội cùng các tình tiết của vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Kim Dung 14 năm tù, bị cáo Phạm Ngọc Thanh 13 năm tù và  bị cáo Bùi Thị Thu Dung 01 năm 06 tháng tù và buộc các bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt trái pháp luật lại cho những người bị hại.

Lê Thị Hương Giang