Hình phạt 04 năm 06 tháng tù cho hành vi “Tàng trữ và lưu hành tiền giả”
Cập nhật lúc: 16:32 27/04/2021
Ngày 23 tháng 4 năm 2021. Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk ra xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Nguyên (Sinh năm: 1990, tại tỉnh Đắk Lắk; Nơi đăng ký HKTT: Thôn 1, xã Nâm Njang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông; trú tại: Thôn 5, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Ảnh minh họa
Trước đó, vào ngày 02/02/2021 Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin đã đưa ra xét xử các bị cáo Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Hữu Sỹ và Nguyễn Vĩnh Thái về hành vi “ Tàng trữ và lưu hành tiền giả”
Vào khoảng thời gian tháng 6/2020 Nguyễn Văn Nguyên đi chăm sóc vợ tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên thì gặp một người phụ nữ tên Trang(chưa rõ nhân thân lai lịch, địa chỉ cụ thể), người này hỏi Nguyên có đổi tiền giả để tiêu xài không, tỷ lệ đổi 1.000.000 đồng tiền thật thì đổi được 5.000.000 đồng tiền giả với mệnh giá 500.000 đồng, được 4.000.000 đồng với tiền có mệnh giá 200.000 đồng, được 3.000.000 đồng với tiền có mệnh giá 100.000 đồng và được 2.500.000 đồng với tiền có mệnh giá 50.000 đồng. Giá này được tính trên tổng số tờ tiền chứ không tính trên tổng giá trị của tiền. sau đó Nguyên lấy số điện thoại của Trang để liên hệ khi có nhu cầu đổi tiền giả.
Khoảng 1 tuần sau thì Nguyên gọi điện thoại cho Trang để đổi 1.000.000 đồng tiền giả thì được Trang đồng ý và hẹn địa điểm đổi tiền là khu vực chợ Việt Đức 4, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin. Tuy nhiên do tiền giả xấu nên Nguyên chỉ đổi 600.000 đồng để lấy 2.700.000 đồng (gồm 04 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, 02 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng và 03 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng)
Sau khi nhận tiền giả Nguyên đã đem về nhà để cất giữ và đưa cho Nguyễn Hữu Sỹ đi lưu hành 02 lần, đưa cho Nguyễn Vĩnh Thái tiêu thụ 04 lần. trong quá trình Sỹ và Thái lưu hành tiền giả thì bị người dân phát hiện và báo cơ quan điều tra giải quyết.
Bị cáo Nguyễn Văn Nguyên tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Khánh Hoài
Tại cấp sơ thẩm, sau phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa, lời khai thừa nhận toàn bộ hành vi của mình và lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra Hội đồng xét xử đã tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn Nguyên phạm tội “Tàng trữ và lưu hành tiền giả” theo quy định tại khoản 1 Điều 207 BLHS và xử phạt bị cáo 04 năm 06 tháng tù. Đồng thời xử phạt Nguyễn Hữu Sỹ 03 năm tù và Nguyễn Vĩnh Thái 03 năm 06 tháng tù về tội “Lưu hành tiền giả” theo quy định tại khoản 1 Điều 207 BLHS. Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Quá trình xét xử phúc thẩm Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới thể hiện việc kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là có căn cứ. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến những quy định của Nhà nước về quản lý trong lĩnh vực in, vận chuyển, phát hành và lưu hành tiền của Ngân hàng. Tiếp tay cho những kẻ in tiền giả, ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực an ninh tiền tệ, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nền kinh tế của Nhà nước. Đồng thời căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo có nhân thân xấu, phạm tội nhiều lần (đưa tiền giả cho Sỹ và Thái lưu hành 06 lần) và hiện đang chấp hành án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Mức hình phạt mà cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là phù hợp, tương xứng với hành vi, tính chất, mức độ mà bị cáo gây ra nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Sau phần nghị án Hội đồng xét xử tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo 04 năm 06 tháng tù về tội “Tàng trữ và lưu hành tiền giả”
Qua nội dung vụ án cho thấy tội phạm liên quan đến lĩnh vực tiền tệ ngày càng phổ biến và xâm hại đến hoạt động của Nhà nước trong in ấn, lưu thông tiền tệ của Ngân hàng. Vì vậy mọi hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào thì cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ thực tế công tác đấu tranh phòng, chống và xét xử tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương khác trong thời gian qua, dự báo trong thời gian tới loại tội phạm này sẽ còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịp Lễ, tết... Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, các đối tượng sẽ triệt để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tiền giả với các phương thức, thủ đoạn có thể như đã nêu trên hoặc với các phương thức, thủ đoạn khác. Trước tình hình trên, đặt ra trách nhiệm nặng nề không chỉ với lực lượng chức năng quản lý mà cả với các ban, ngành, đoàn thể và cả hệ thống chính trị cùng với viêc tuyên truyền đến quần chúng nhân dân cách nhận biết tiền giả và cần nâng cao cảnh giác với các loại hình tội phạm liên quan đến tiền giả, tiếp tục tăng cường các biện pháp công tác, làm tốt công tác phòng chống tội phạm tại nơi cư trú và đặc biệt là địa phương vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới nhằm đảm bảo an ninh kinh tế. Trường hợp phát hiện có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì cung cấp thông tin và báo cho công tác điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Các tin khác
- Phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án dân sự sơ thẩm
- Lắk: Xét xử rút kinh nghiệm vụ án: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
- Xét xử rút kinh nghiệm vụ án: “Tàng trữ trái phép chất ma túy” xảy ra tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk
- Hình phạt thích đáng cho bị cáo vì coi thường pháp luật đối với hành vi: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” xảy ra tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
- Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến.