Hình phạt nghiêm khắc dành cho hành vi huỷ hoại rừng
Cập nhật lúc: 16:03 13/06/2022
Với những lợi ích từ rừng mang lại, thời gian qua tình trạng khai thác, lấn chiếm rừng và đất rừng, đặc biệt là tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy ở huyện Čư M'gar diễn biến tương đối phức tạp, đặc biệt là tại địa bàn xã Ea Kiết, xã Ea Kuếh.
Ngày 31-5-2022, Tòa án nhân dân huyện CưM’gar mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Hủy hoại rừng” đối với bị cáo Lục Văn Thường, sinh năm 1999, trú tại thôn 15, xã Ea Kuếh, huyện CưM’gar, tỉnh Đắk Lắk.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 02/11/2021 đến ngày 12/11/2021 Lục Văn Thường đi đến vị trí lô 25 và lô 40, khoảnh 5, tiểu khu 541 thuộc lâm phần Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Buôn Wing (Công ty Buôn Wing), xã EaKuêh, huyện CưM’Gar, tỉnh Đắk Lắk quản lý, bảo vệ để chặt phá, dọn, đốt cây rừng lấy đất làm rẫy với diện tích 11.547 m2 (1,1547 ha) rừng, có đặc điểm: rừng sản xuất, nguồn gốc hình thành là rừng tự nhiên, rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng rụng lá nghèo kiệt (RLK) thì bị phát hiện. Thiệt hại của 1,1547 ha rừng là 12.946.000 đồng và giá trị thiệt hại của 8.943 m3 lâm sản là 10.556.000 đồng.
Bị cáo Lục Văn Thường tại phiên tòa.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác định hành vi của Lục Văn Thường đã phạm tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lục Văn Thường 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù; buộc bị cáo bồi thường cho Công ty Buôn Wing số tiền 12.000.000 đồng (theo yêu cầu của Công ty).
Hình phạt dành cho bị cáo cũng là bài học nghiêm khắc cho những ai thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên rừng.
Đây là vụ án huỷ hoại rừng thứ hai trong năm 2022 liên quan đến việc chặt phá cây rừng thuộc lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Buôn Wing nhằm lấy đất để canh tác của các bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, chính quyền địa phương, Công ty Buôn Wing nói riêng và các đơn vị chủ rừng nói chung cần có sự phối hợp chặt chẽ hợn nữa trong việc triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ quyết liệt, triệt để, hiệu quả hơn để mong giữ được những cánh rừng còn lại. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng cần nghiên cứu giải quyết vấn đề việc làm, dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất vì đây là một trong những nguyên nhân của nạn phá rừng hiện nay.
Các tin khác
- Phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án dân sự sơ thẩm
- Lắk: Xét xử rút kinh nghiệm vụ án: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
- Xét xử rút kinh nghiệm vụ án: “Tàng trữ trái phép chất ma túy” xảy ra tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk
- Hình phạt thích đáng cho bị cáo vì coi thường pháp luật đối với hành vi: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” xảy ra tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
- Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến.