Krông Búk: Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến

Cập nhật lúc: 09:54 24/06/2024

Thực hiện Chỉ thị số 01/2024/CT-CA, ngày 02/01/2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án năm 2024 và Chương trình nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 của Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk; ngày 04/6/2024, Toà án nhân dân huyện Krông Búk đã tổ chức 02 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến.

Đây là 02 vụ án có nội dung và tài liệu chứng cứ phù hợp với quy định của Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021, đảm bảo các điều kiện theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội.

Vụ án thứ nhất, bị cáo Rô Mới, Địa chỉ: Buôn Đrao, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Búk truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.

Vụ án thứ hai, bị cáo Phạm Duy Phong; Địa chỉ: Buôn Kđrô 2, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk; bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Búk đã truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm c khoản 1; điểm o khoản 2 Điều 249 của Bộ luật hình sự.

Hai vụ án đã được truyền hình từ điểm cầu trung tâm đến 14 điểm cầu Toà án nhân dân cấp huyện còn lại và điểm cầu Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Sau phiên tòa, liên ngành tố tụng đã đã tiến hành họp rút kinh nghiệm, nhìn chung công tác tổ chức chu đáo, đường truyền ổn định, không bị gián đoạn. Chủ toạ phiên toà đã thực hiện tốt việc điều hành phiên toà trực tuyến, Kiểm sát viên chủ động trong công tác kiểm sát xét xử, đề ra các yêu cầu nhằm đảm bảo phiên toà được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cũng rút kinh nghiệm một số nội dung còn thiếu sót, những mặt còn tồn tại như các kỹ năng đặt câu hỏi của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kỹ năng công bố tài liệu chứng cứ của Kiểm sát viên.

  Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là một hoạt động thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tố tụng, Thẩm phán, Kiểm sát viên từng bước tiếp cận được những ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp, góp phần thúc đẩy tiến trình tố tụng diễn ra nhanh chóng, kịp thời; tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự tham gia phiên tòa, tiết kiệm được thời gian và chi phí xã hội./.

Văn Chinh – Nguyễn Yến