Những lợi ích và bất cập của hoạt động tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến
Cập nhật lúc: 07:26 25/12/2023
Nếu như trước đây, hoạt động xét xử chỉ thực hiện tại Hội trường xét xử của Toà án thì với thời đại kỹ thuật, công nghệ hiện đại, hệ thống Toà án đã có bước đột phá trong hoạt động cải cách tư pháp là thực hiện tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến.
Phiên toà xét xử trực tuyến là việc Toà án tổ chức phiên toà được kết nối tại các điểm cầu, trong đó điểm cầu trung tâm tại trụ sở Toà án nơi xét xử vụ án, phối hợp với các cơ quan liên quan như trại tạm giam, nhà tạm giữ và với các điểm cầu khác, sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau qua môi trường mạng cho phép bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác ngoài phòng xử án như trại tạm giam, nhà tạm giữ hay tại các địa phương khác nhau theo Quyết định của Toà án mà vẫn đảm bảo đúng trình tự, thủ tục thông thường.
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện việc xét xử trực tuyến của Toà án nhân dân tối cao, ngày 26/9/2023 Toà án nhân dân huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức xét xử trực tuyến vụ án Hình sự sơ thẩm thụ lý số 19/2023/HSST ngày 14/9/2023 đối với bị cáo Bùi Văn Thiện, sinh năm 2005 bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự
Từ đây cho thấy được nhiều ưu điểm của phiên toà xét xử trực tuyến:
Thứ nhất, hạn chế tiếp xúc: Khi đại dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện, tất cả hoạt động hầu như đều tạm ngừng. Nhưng với sự thay đổi uyển chuyển của mình, Toà án đã triển khai tổ chức các phiên toà trực tuyến nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và tiếp xúc trực tiếp trong quá trình xét xử nhưng vẫn đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Không những thế, việc giải quyết các vụ án vẫn không bị ngưng đọng lại vì những tình huống khách quan như đại dịch vừa qua. Có thể nói đây là một sự thay đổi rất tích cực của hệ thống Toà án.
Thứ hai, tiết kiệm thời gian và tiền bạc: Đối với những trường hợp bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác ở địa phương khác, việc đi lại mất nhiều thời gian và tiền bạc thì việc xét xử trực tuyến giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng. Các đương sự có thể đến điểm cầu gần nhất và tham gia phiên toà. Trước đây khi xét xử trực tiếp, có rất nhiều trường hợp buộc phải hoãn phiên toà vì vắng mặt những người tham gia tố tụng với lý do trên, gây trở ngại cho việc xét xử cũng như thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài.
Thứ ba, ghi chép dễ dàng, chính xác: Đối với xét xử trực tiếp, Thư ký phiên toà cần tập trung cao độ để lọc thông tin và ghi diễn biến phiên toà một cách nhanh chóng và chính xác. Nhưng với xét xử trực tuyến, đã có bản ghi âm phiên toà trực tuyến, việc ghi chép lại diễn biến phiên toà cũng trở nên dễ dàng hơn.
Thứ tư, đối với những vụ án hình sự có bị cáo là những đối tượng nguy hiểm. Khi xét xử trực tuyến, những đối tượng nguy hiểm sẽ được tham gia phiên toà ngay tại điểm cầu là nhà tạm giữ hoặc nhà tạm giam, được giám sát một cách nghiêm ngặt hơn mà vẫn đảm bảo tham gia phiên toà theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh những lợi ích mà việc xét xử trực tuyến mang lại thì còn một số các hạn chế:
Đầu tiên, phải kể đến là vấn đề Internet. Các điểm cầu cần đảm bảo kết nối Internet ổn định để phiên toà diễn ra đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, có một số tình huống đường truyền Internet có vấn đề như bị đứt cáp quang, sự cố kỹ thuật, quá tải đường truyền hay ở một số vùng có kết nối Internet kém sẽ là những cản trở lớn trong quá trình xét xử. Hơn thế nữa, xét xử trực tuyến cũng có khả năng đứng trước nguy cơ bị đánh cắp thông tin bởi những tội phạm công nghệ cao.
Tiếp đó, trong quá trình xét xử trực tuyến, sự tương tác trực tiếp giữa các bên có thể bị giảm đi dẫn đến các bên hiểu sai về ngữ cảnh cũng như ý nghĩa mà các bên truyền đạt.
Ngoài ra, việc thu thập chứng cứ ngay tại phiên toà cũng có thể gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp các bên đương sự có chứng cứ giao nộp tại phiên toà nhưng lại ở xa, việc xem xét tài liệu, chứng cứ để đưa ra các quyết định ngay tại phiên toà khá khó khăn.
Mặt khác, Chủ toạ phiên toà và Kiểm sát viên có thể sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát tình hình và đảm bảo tính trang trọng của phiên toà trực tuyến. Khi xét xử trực tuyến, đòi hỏi Chủ toạ phiên toà phải vừa quan sát các điểm cầu tại các màn hình và vừa phải quan sát tình hình tại Phòng xét xử trung tâm.
Có 01 số Toà chỉ có 01 phòng xử án nên mỗi khi mở phiên toà xét xử trực tuyến phải mất rất nhiều thời gian để thiết lập trang thiết bị, gây tốn kém kinh phí hoạt động của cơ quan và thời gian làm việc.
Dưới đây là một số giải pháp khắc phục các hạn chế của nhóm tác giả:
Cải thiện cơ sở hạ tầng mạng Internet, đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng mạng luôn được nâng cấp để phục vụ cho việc xét xử trực tuyến.
Đầu tư phòng xét xử trực tuyến phù hợp cùng các trang thiết bị cần thiết cho phiên toà xét xử trực tuyến
Liên tục đánh giá và cải thiện hiệu quả xét xử trực tuyến.
Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng nghiên cứu quy chế, chế tài trong việc bảo mật thông tin vụ án, thông tin cá nhân của những người tham gia tố tụng. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ để tránh các rủi ro bị đánh cắp các thông tin vụ án, thông tin cá nhân bởi các tội phạm công nghệ cao./.
Các tin khác
- Phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án dân sự sơ thẩm
- Lắk: Xét xử rút kinh nghiệm vụ án: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
- Xét xử rút kinh nghiệm vụ án: “Tàng trữ trái phép chất ma túy” xảy ra tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk
- Hình phạt thích đáng cho bị cáo vì coi thường pháp luật đối với hành vi: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” xảy ra tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
- Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến.