Phiên toà rút kinh nghiệm nhằm năng cao hiệu quả hoạt động xét xử

Cập nhật lúc: 09:58 31/01/2024

Trong năm 2023, Tòa án nhân dân huyện đã tổ chức xét xử rút kinh nghiệm tổng cộng 24 vụ án, trong đó có 12 vụ án hình sự, 09 vụ Dân sự và 03 vụ án Hôn nhân gia đình. Các vụ án được đưa ra tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm được các Thẩm phán ưu tiên lựa chọn các vụ án có tính chất phức tạp hoặc các vụ án có Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.

Nhằm thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 mà hệ thống Tòa án nhân dân đã đề ra. Đồng thời, thực hiện Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 của Tòa án nhân dân tối cao và Công văn số 38/TA-CV ngày 23/01/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp. Thời gian qua, Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar phối hợp cùng Viện kiểm sát huyện thường xuyên quan tâm xem xét, lựa chọn các vụ án đảm bảo điều kiện để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Lãnh đạo Tòa án huyện luôn triển khai, quán triệt đến tất cả các Thẩm phán trong việc lựa chọn các vụ án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm tại đơn vị, đòi hỏi phải thực chất, đảm bảo yêu cầu đề ra và đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Trong năm 2023, Tòa án nhân dân huyện đã tổ chức xét xử rút kinh nghiệm tổng cộng 24 vụ án, trong đó có 12 vụ án hình sự, 09 vụ Dân sự và 03 vụ án Hôn nhân gia đình. Các vụ án được đưa ra tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm được các Thẩm phán ưu tiên lựa chọn các vụ án có tính chất phức tạp hoặc các vụ án có Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự và phát huy được kỹ năng trong việc điều hành tranh tụng, việc xét hỏi tại phiên tòa của Thẩm phán chủ tọa, của thành viên Hội đồng xét xử. Với mục đích đó, các Thẩm phán đều thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn các vụ án để đăng ký, báo cáo lãnh đạo đơn vị xem xét, quyết định phê duyệt đưa ra xét xử tại phiên tòa rút kinh nghiệm. Sau khi được lãnh đạo đơn vị quyết định lựa chọn vụ án xét xử rút kinh nghiệm, các Thẩm phán xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa và chuẩn bị tốt các nội dung theo đúng như hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

Nhìn chung, các phiên tòa rút kinh nghiệm đều diễn ra đúng trình tự, thủ tục tố tụng, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là việc điều hành tranh tụng tại phiên tòa của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa được diễn ra nghiêm túc, đạt chất lượng. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Tòa án nhân dân huyện tiến hành họp đơn vị cùng với Thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, Trưởng, phó đoàn Hội thẩm nhân dân để rút kinh nghiệm. Trên cơ sở góp ý xây dựng, các Thẩm phán, Thư ký Tòa án và trưởng, phó đoàn Hội thẩm nhân dân đã thẳng thắn trao đổi, góp ý rút kinh nghiệm về những kết quả đã đạt được cũng như những mặt còn hạn chế, thiếu sót của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, các thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa. Qua việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã giúp lãnh đạo đơn vị chỉ đạo tốt hơn trong công tác xét xử, nhất là chỉ đạo đội ngũ Thẩm phán trong công tác rèn luyện kỹ năng điều hành phiên tòa, coi trọng kết quả tranh tụng tại phiên tòa, cần nghiêm túc khắc phục những mặt còn tồn tại, phát huy những kết quả đã đạt được, làm tốt công tác chuẩn bị phiên tòa để việc tổ chức các phiên tòa đạt chất lượng, hiệu quả hơn. Các phiên tòa rút kinh nghiệm đã thực sự là dịp để các Thẩm phán, Thư ký Tòa án học tập, trau dồi kiến thức từ các đồng nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, xét xử các loại án. Đồng thời đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong việc bình xét thi đua hàng năm tại đơn vị.

Y Lợi Niê – Đỗ Văn Thịnh – Vũ Đức Đuống