Phiên tòa rút kinh nghiệm: xét xử vụ án “Trộm cắp tài sản” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên

Cập nhật lúc: 10:35 24/09/2019

Thực hiện quy chế số: 02/QCPH-TAND-VKSND ngày 22/7/2013 của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk và hướng dẫn số 136/HĐ-TANDTC ngày 30/3/2017 của Tòa án nhân dân Tối cao về việc phối hợp tổ chức các phiên tòa xét xử vụ án hình sự để rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp.

Sáng ngày 16.9.2019, Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Ngọc Đức, sinh năm 1986 trú thôn Ninh Thanh 2, xã Ea Kmut, huyện Ea Kar về hành vi “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Tham dự phiên tòa có các đồng chí Lãnh đạo và cán bộ Tòa án nhân dân - Viện kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột

Nội dung vụ án như sau: Nguyễn Ngọc Đức đã lén lút thực hiện 02 vụ trộm cắp dây cáp điện của Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên vào các ngày 14/5/2019 và ngày 17/5/2019. Tổng trọng lượng dây cáp điện Đức đã lấy trộm được là 142,3 kg dây điện (37kg dây cáp điện đường kính 5cm, bên trong có 04 lõi dây kim loại màu đồng gồm 03 lõi loại 03x95mm2 và 105,3kg dây cáp điện trong đó có 01 dây cáp điện màu đen đường kính 5cm, dài 8,7m; 01 dây cáp điện màu đen đường kính 5cm, dài 8,65m; 01 dây cáp điện màu đen đường kính 2,5cm, dài 18m; 01 dây cáp điện màu đen đường kính 2,5cm, dài 7,5m). Trị giá tài sản bị cáo trộm cắp được là 6.403.500 đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã truy tố.

Sau khi phân tích đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng như xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ và nhân thân của bị cáo, Hội đồng xét xử đã xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Đức mức án 01 năm tù về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Lãnh đạo hai ngành đã tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký, Kiểm sát viên để đánh giá những kết quả đạt được, những ưu điểm chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tham gia xét xử để rút kinh nghiệm.

Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã đạt được mục đích của việc tổ chức các phiên tòa có chất lượng, hiệu quả nhằm giúp các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự. Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm được coi là giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.

Kim Cúc