Tòa án nhân dân huyện Ea Kar tổ chức phiên tòa xét xử vụ án: Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ.

Cập nhật lúc: 16:13 18/04/2022

Nhằm đấu tranh, phòng chống tội phạm, ngăn ngừa tình trạng phá rừng diễn ra tại địa phương và làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Trong các ngày 04,05,06 tháng 4 năm 2022, Tòa án nhân dân huyện Ea Kar mở phiên tòa sơ thẩm xét xử  đối với vụ án Lê Mô Y Cum, sinh năm 1984; nơi cư trú: Buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên và các đồng phạm bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự, và tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự; bị cáo Hoàng Công Ý và các đồng phạm bị truy tố về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Liên quan đến vụ phá rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên EaSô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắ Lắk.

Diễn biến tại phiên tòa vụ án thể hiện như sau: Do dịch bệnh Co-Vid 19 kéo dài và không có việc làm nên trong lúc ngồi uống nước tại Buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, Lê Mô Y Cum (tên thường gọi Ma Khanh), cùng một số đối tượng khác tâm sự với nhau và kêu khổ; lúc này, Lê Mô Y Cum nói vào Khu BTTN Ea Sô cắt gỗ Căm xe đưa về xẻ làm trụ đề ba cầu thang bán lấy tiền tiêu xài thì tất cả đồng ý;

Do đã quen biết từ trước với Hoàng Công Ý, lúc này là trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) số 3 Khu BTTN Ea Sô và biết được lịch phân công Ý thường xuyên đi truy quét trong khu bảo tồn giáp ranh với huyên Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Lê Mô Y Cum điện thoại trao đổi xin  và được Ý đồng ý cho vào khai thác gỗ Căm xe ở tiểu khu 618, 622 Khu BTTN Ea Sô và  hai bên thỏa thuận mỗi người vào khai thác gỗ phải chung chi cho Ý 700.000 đồng/ 01 người. Đồng thời Ý dặn không được dùng cưa máy, chỉ dùng cưa tay để tránh tạo ra tiếng cưa gỗ dễ bị cán bộ khu bảo tồn phát hiện bắt giữ đồng thời  hướng dẫn cho Lê Mô Y Cum đi theo đường cột mốc vào tiểu khu 618, 622 để tránh người trong khu bảo tồn không phát hiện và nhằm bảo vệ cho nhóm Lê Mô Y Cum vào khai thác gỗ được an toàn, Ý sẽ đi truy quét tại các tiểu khu giáp ranh với tiểu khu 618, 622.

Để giúp nhóm Lê Mô Y Cum khai thác gỗ diễn ra thuận lợi, Ý điện thoại cho Vương Thế Cao, là  phó trạm QLBVR số 5 Khu BTTN Ea Sô được phận công giao quản lý tiểu khu 618, 622 và nói với Cao có nhóm Lê Mô Y Cum làm gỗ gần trạm 5 nhờ Cao giúp cho Ý hai việc đó là: Báo thời gian tắt điện trước sân trạm 5 thì cho gỗ ra và thời gian cán bộ trạm 5 đi tuần tra báo lại với Ý thì Cao đồng ý, lúc này Ý chưa thỏa thuận về số tiền chung chi cho Cao mà phụ thuộc Lê Mô Y Cum đưa tiền, thì Ý mới quyết định chung chi cho Cao.

Trong khoảng thời gian từ ngày ngày 07/10/2020 đến ngày 08/11/2020, nhóm của Lê Mô Y Cum đã 02 lần đi vào tiểu khu 618, 622 khai thác gỗ trái phép 56 cây gỗ Căm xe được được 109 lóng với khối lượng gỗ quy tròn hơn 25m3. Sau khi khai thác xong Lô Mô Y Cum thu của những người đi 1.200.000 đồng, để “Chung chi” cho cán bộ Khu BTTN Ea Sô để không bị bắt, cả nhóm đồng ý.

Lần 1, Lê Mô Y Cum thu được số tiền 22.800.000 đồng, thông qua Hoàng Công Nhật là em trai của Ý, Y Cum đưa cho Ý số tiền 14.000.000 đồng và cho Nhật số tiền 3.000.000 đồng. Nhật biết đây là tiền Y Cum đưa hối lộ cho Ý, khi Ý nhận tiền cho Nhật 1.000.000 đồng và hỏi Ý cho Nhật 1.000.000 đồng và hỏi Nhật Lê Mô Y Cum có cho chú tiền không thì Nhật nói có. Sau khi nhận được tiền, vài ngày sau Ý đi đến Quán cà phê Cao Ánh Dương nhà Cao gặp Cao đang nấu ăn ở nhà bếp nên Ý đi đến nhét 4.000.000đ vào túi quần của Cao đang mặc và nói “phần của chú” nhưng sau đó Cao kiểm tra đếm lại được 2.000.000 đồng (mệnh giá loại 500.000 đồng).

Lần 2, Lê Mô Y Cum thu được số tiền 34.800.000 đồng, thông qua Hoàng Công Nhật là em trai của Ý, Y Cum đưa cho Ý số tiền 21.000.000 đồng và cho Nhật số tiền 4.000.000 đồng. Sau khi nhận được tiền vài ngày sau Ý đi đến Quán cà phê cao ánh dương nhà gặp Cao đang đứng ở quầy bán nước nên Ý lấy 2.000.000đ (mệnh giá loại 500.000 đồng) để dưới gói thuốc lá đưa cho Cao và nói “phần của chú” rồi Ý đi về.

Ngoài ra, khoảng đầu tháng 11/2020, Nguyễn Xuân Ban biết thông tin nhóm Lê Mô Y Cum đã đi vào tiểu khu 618, 622 thuộc Khu BTTN Ea Sô để khai thác gỗ Ban rủ Nguyễn Văn Cảnh (tách ra từ nhóm Lê Mô Y Cum), Huỳnh Ngọc Lòng và người tên Đồng (chưa rõ nhân thân lai lịch) cùng trú tại huyện Sông Hinh chuẩn bị cưa tay (loại cưa cá mập, đinh 10cm, dây dù, bao xác rắn và túi bóng) đi vào tiểu khu 618, 622 gặp nhóm Lê Mô Y Cum đang khai thác gỗ. Như vậy từ ngày 09 đến ngày 14/11/2020 Ban, Lòng, Đồng và Cảnh khai thác 05 cây gỗ Căm xe thu gom được 13 lóng gỗ kết luận giám định có khối lượng quy tròn 2,069 m3 và thu giữ 04 lóng gỗ trước đó kết luận giám định có khối lượng quy tròn 1,314 m3, tổng 17 lóng gỗ Căm xe kết luận giám định có khối lượng quy tròn 3,383 m3.

Ngày 10/11/2020, Trần Văn Tú và Hoàng Anh Sáng (tách ra từ nhóm Lê Mô Y Cum để đi riêng), cả hai đi vào tiểu khu 618 khai thác 01 cây gỗ Căm xe phân ra được 06 lóng, đường kính khoảng 30cm, dài 1,2m; 01 lóng gỗ thu gom tại hiện trường có khối lượng là 0,249m3.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sau khi đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Hội đồng xét xử đã tuyên xử phạt bị cáo Lê Mô Y Cum tổng hợp mức án 10 năm tù đối với 02 tội danh Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản và Đưa hối lộ. Bị cáo Hoàng Công Ý bị xử phạt 07 năm 06 tháng tù đối với tội danh Nhận hối lộ. Các bị cáo khác cũng phải chịu mức hình phạt tương xứng với hành vi vi phạm pháp luật do mình gây ra.

Với mức hình phạt dành cho bị cáo là bài học cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho bị cáo và những người có hành vi cố ý vi phạm pháp luật sẽ bị pháp luật xử lý thích đáng. Phiên tòa mở ra nhằm ngăn ngừa, phòng, chống tình trạng chặt phá rừng, góp phần bảo vệ rừng, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội của địa phương.

Hoàng Long - Hải Yến