“Tội cướp tài sản – Bài học đắt giá cho những kẻ coi thường tính mạng, tài sản của người khác”

Cập nhật lúc: 09:39 31/01/2024

Hiện nay, tội phạm cướp, cướp giật tài sản hoạt động liều lĩnh, tinh vi. Chúng có thể gây án vào ban ngày, địa bàn thành thị và nông thôn. Nhưng, nguy hiểm nhất vẫn là các vụ cướp xảy ra vào đêm khuya, vắng người, vì hậu quả có thể rất nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân. Trong điều kiện trời tối, nạn nhân rất khó nhận dạng đối tượng gây án.

Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, không phụ thuộc vào người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không (Điều 168 BLHS).  

Sáng ngày 26/9/2023, tại điểm cầu Trung tâm Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Krông Bông kết hợp điểm cầu Thành phần Nhà tạm giữ Công an huyện Krông Bông. Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Bông mở phiên toà xét xử công khai trực tuyến rút kinh nghiệm cho Thẩm phán, HTND, Kiểm sát viên và Thư ký vụ án hình sự đối với các bị cáo Y Đâm Niê và đồng phạm về tội “Cướp tài sản” bị truy tố theo điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự.

Theo cáo trạng số 16/CT-VKS ngày 27/6/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Bông:

Do ý thức coi thường pháp luật, coi thường quyền sở hữu về tài sản của người khác, vì mục đích tư lợi cá nhân nên vào khoảng 23 giờ ngày 02/3/2023, tại đường Đông Trường Sơn thuộc địa phận buôn Hàng Năm, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, các bị can Y Đâm Niê, Y Pháp Byă, Y Gel Mdrang, Y Nik Mlô và Y Ngôn Niê đã dùng xe mô tô đuổi theo và chặn xe mô tô yêu cầu anh Thảo và anh Đức dừng xe, sau đó Y Pháp có hành vi xin anh Thảo và anh Đức 50.000 đồng để đổ xăng, Y Đâm Niê đã có hành vi xin 200.000 đồng để mua rượu uống nhưng anh Thảo và anh Đức không cho, nên Y Đâm dùng tay phải đấm một cái vào đầu và ngực anh Thảo làm anh Thảo mất thăng bằng nên xe môtô bị ngã xuống đường, anh Thảo bỏ chạy, thì Y Đâm lao vào dùng chân phải đạp vào lưng anh Đức, Y Pháp dùng tay trái đấm vào lưng anh Đức, Y Ngôn  đứng chặn không cho anh Đức bỏ chạy, khi anh Đức bỏ chạy thì Y Pháp nhặt một cục bêtông xi măng ở lề đường ném về phía anh Đức để hù doạ. Sau đó Y Pháp đến lấy 01 bịch thịt dê trị giá 100.000 đồng treo ở xe của anh Thảo rồi cùng nhau sử dụng.

Căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.

Phiên tòa đã diễn đúng trình tự, thủ tục tố tụng, Kiểm sát viên đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ án và bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Trên cơ sở đánh giá, phân tích tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vai trò của các bị cáo trong vụ án, diễn biến tại phiên tòa và đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Y Đâm Niê 07 (bảy) năm 06 (sáu) tháng tù giam; bị cáo Y Ngôn Niê 03 (ba) năm  tù giam; các bị cáo Y Gel Mdrang; Y Nik Mlô và Y Pháp Byă mỗi bị cáo 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng tù giam về tội “Cướp tài sản”.

Mức án nghiêm khắc dành cho các bị cáo là bài học lớn để cảnh tỉnh cho những người xem thường pháp luật, không muốn tự lao động để nuôi sống bản thân và gia đình.

Sau phiên tòa, Lãnh đạo hai đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên và Thư ký với tinh thần góp ý thẳng thắn, mang tính xây dựng để rút ra những ưu điểm, hạn chế, từ đó giúp cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký rút kinh nghiệm những mặt đạt được và chưa được để phục vụ tốt cho các phiên tòa xét xử tiếp theo, đồng thời cố gắng học hỏi, tích lũy kiến thức, đặc biệt là kỹ năng xét hỏi, xử lý tình huống, ứng xử tại phiên tòa, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của ngành trong tình hình hiện nay.

Đồng thời, thông qua phiên tòa cũng đã khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo quản những tài sản của mình, tránh để tội phạm lợi dụng sơ hở để thực hiện hành vi phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.