Giọt nước mắt của mẹ sau bản án tử hình.

Cập nhật lúc: 10:43 29/09/2020

Nguyên cùng già làng Ama Tuyên ghé nhà Y Luynh Niê vào một chiều tối muộn, cái cảnh chiều tà của buôn làng nơi Luynh sinh ra và lớn lên thoạt nhìn thấy có vẻ gì đó hơi rờn rợn. Cái se lạnh đầu tháng 11 ở vùng đất đỏ ba zan này càng khiến buôn làng như chìm vào nỗi buồn nhiều hơn.

Không quá khó để Nguyên gặp được người đàn bà ấy. Người đàn bà chỉ được làm mẹ của một đứa con, đứa con ấy lại là chẳng phải núm ruột do bà tự sinh ra. Nhưng cả cái buôn này biết, bà thương quý nó còn hơn cả sinh mạng của mình.

Người ta gọi bà là Amí La. Khuôn mặt bà đầy những vết chân chim, nám, đồi mồi cũng đua nhau chằng chịt. Từ kẽ mắt bà, có những giọt nước mắt như không được chảy ra mà cứ đọng ở đó. Vón cục lại. Những giọt nước mắt của một người đàn bà làm mẹ bất lực vì đứa con của mình đã chẳng thể nào còn cơ hội hoàn lương.

Buôn làng ấy nhỏ, nhưng những ánh mắt xa lánh, những lời xì xầm bàn tán và cả những cái  nhìn như thể bà mới là người bị Tòa án tuyên bản án tử hình chứ chẳng phải con bà lại càng như xát muối vào tâm can của bà.

Mẹ Y Luynh chết ngay khi Y Luynh vừa được sinh ra. YLuynh cũng bị buôn làng tuyên luôn cho cái án tử hình lúc ấy. Cái tập tục mẹ chết thì con cũng bị chôn theo mẹ khiến một đứa bé còn đỏ hỏn cũng chẳng có cơ hội sống. Và bà xuất hiện. Lúc ấy, bà mới 16 tuổi, vẫn còn đang theo học cấp 3. Mặc kệ phản đối của dân làng, mặc kệ những bàn ra tán vào của anh em họ tộc. Bà giằng lấy đứa bé ấy rồi chạy một mạch ra tới cổng làng. Như thể chỉ cần chậm một bước thôi là người ta sẽ cướp mất đứa bé ấy của bà. Cha đứa bé ấy cũng không thoát khỏi những hủ tục của làng để đón nó về nuôi, bà trở thành mẹ Y Luynh từ ấy.

Thường ngày  mọi người trong buôn chỉ thấy một Y Luynh hiền lành, hiếu thảo. Thế nên khi nghe tin có 02 người bị giết trong buôn thì chẳng ai nghĩ đến chàng trai Y Luynh. Khi Y Luynh cùng các thanh niên trong làng bị triệu tập đến cơ quan công an làm việc, họ cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng đó là thủ tục cần thiết để tìm ra kẻ giết người. Thế nên cái tin Y Luynh bị công an bắt tạm giam để điều tra về hành vi giết người khiến người trong buôn không thể nào tin được. Họ cứ kháo nhau, cứ đồn đại, cứ thêu dệt đủ các kiểu giết người và cả lý do. Có người còn bảo đó là cái giá bị giàng phạt khi Y Luynh  đáng ra đã là thây ma bị chết từ lúc còn đỏ hỏn. Ngày Y Luynh bị bắt, mẹ Y Luynh như hóa đá, bà không thể khóc nỗi, chỉ một mực xin các anh công an tin con trai bà không thể làm cái điều ác nhân thất đức ấy. Cái niềm tin của bà dành cho con trai bền bỉ là vậy, bà cũng đã nghĩ ra hàng trăm lý do để tự biện minh cho con trai bà. Ấy vậy mà Y Luynh lại khóc và cúi đầu thừa nhận mình chính là kẻ giết người. Trước 02 hôm khi dân làng phát hiện ra 02 xác chết thì Y Luynh vẫn cùng bà đi rẫy, lúc về còn tự nấu cơm giặt áo cho bà. Vẫn là những hoạt động thường ngày diễn ra như thế. Đôi lúc bà thấy Y Luynh có thất thần ra nhưng có nằm mơ bà cũng không nghĩ rằng đó là biểu hiện của một kẻ giết người,

Y Luynh giết người, những hai mạng người. Người phụ nữ ấy với đứa bé chưa đầy một tuổi mà Y Luynh cũng nhẫn tâm ra tay đâm nhiều nhát. Đến bà là mẹ nó, bà còn không tha thứ nỗi cho tội ác ấy, thì bà lấy cái quyền gì mà xin người ta tha thứ cho tội lỗi của nó.

Từ bé nó được dạy cách sống yêu thương, vị tha và nhân ái. Hà cớ gì nó lại giết người.  Bà uất nghẹn, những giọt nước mắt như không được chảy ra mà vón lại, đóng cục khiến bà đau đớn. Đứa trẻ ấy đến tận lúc chết còn túm chặt áo mẹ mình, còn người mẹ cũng đang ôm trọn đứa bé trong tay. Nhưng người mẹ trẻ ấy đã bất lực,  bà đã không thể bảo vệ con mình. Hình ảnh ấy ám ảnh bà. Và bà giận thằng con của bà ghê gớm, và bà giận cả bản thân mình.  Bà khóc rấm rứt như một đứa trẻ.

Nguyên cũng khóc, Nguyên không thể hiểu hết những điều bà đang phải chịu đựng, nhưng Nguyên cũng là một người mẹ, căm hận về tội ác của Y Luynh bao nhiêu thì lại thương cảm cho bà ấy bấy nhiêu. Bà chẳng phải là kẻ giết người, nhưng những lời dân làng nói càng khiến bà suy sụp. bà hoang mang vì những lời nói sắc bén như mũi dao đó.

“ Nếu trước đây bà ta không đưa nó về, để nó chết theo tập tục của làng thì bây giờ hai mạng người đã không bị giết. Lỗi là tại bà ta. Bà ta mới đúng là kẻ giết người”.

Bà đừng nói vậy. Ai sai thì người đó phải chịu sừ trừng phạt của pháp luật. Bà không có lỗi gì hết.

- Tôi giết nó rồi. Giết luôn cả hai con người vô tội ấy.

Bà lại khóc nấc lên, những giọt nước mắt như bị dồn nén quá lâu. Cho những nỗi đau bị tích tụ quá lâu. Suy cho cùng, bà cũng chỉ là một người đàn bà, bà cũng chỉ là một người mẹ. Dẫu không sinh ra nó nhưng bà đã dành cho nó tất cả tình yêu thương, trách nhiệm và tấm lòng của một người làm mẹ. Và chẳng có một người mẹ nào muốn nhìn thấy con mình đi vào con đường tội lỗi. Nỗi đau ấy, ai thấu cho bà?

Nắng bắt đầu tắt, hoa dã quỳ cũng thôi không còn nhuộm vàng cả một góc trời.

Nguyên rời nhà Amí La và lững thững đi bộ xuống dưới dốc. Tự nhiên, cô có cảm giác trống rỗng. Cái cảm giác thường xuất hiện khi cô không biết suy nghĩ theo hướng nào. Chẳng phải chuyện của cô, cũng chẳng phải tại cô mà sao Nguyên khó chịu quá.

Ngày Y Luynh bị Tòa tuyên án “ Tử hình”. A Mí La không khóc được. Trước khi Y Luynh bị dẫn giải lên xe bà chỉ kịp hỏi con trai bà 01 câu “ Y Luynh không thương mẹ, không thương những người đàn bà làm mẹ muốn bảo vệ con mình sao?”

- Mẹ ơi! Con xin lỗi. Mẹ ơi con sai rồi. Con không muốn chết, con muốn được sống tiếp mẹ ơi!

Rồi hai mẹ con bà cùng khóc. Đối với chàng trai trẻ ấy, đó có lẽ là những giọt nước mắt cay đắng với sự hối hận muộn màng nhất. Chàng trai ấy, vẫn muốn sống, vẫn biết tội mình gây ra là sai. Nhưng còn tính mạng của 02 con người bị tước đoạt bởi tính côn đồ máu lạnh thì sao? Họ cũng khao khát sống, đứa bé còn khát sữa mẹ cũng có quyền được sống. Nhưng họ đã không còn nữa. Còn bà! Những giọt nước mắt ấy vừa là trách móc, vừa là thương cảm và cũng đầy ai oán.

 Cô Nguyên ơi! Lần này tôi đã chẳng thể nào cứu nó thêm lần nào nữa. Tôi mất nó thật rồi. Thằng bé ấy, trước giờ vẫn ngoan ngoãn và nghe lời tôi lắm. Cho đến giờ tôi vẫn không tin nó lại làm ra cái tội tày trời ấy.

Nguyên chẳng biết phải khuyên người đàn ấy như thế nào, động viên bà ấy ra sao. Vì cô chỉ là một người ngoài cuộc, cô không thấm hết nỗi đau mà bà đang gánh chịu, không hiểu hết nỗi mất mát mà một người làm mẹ mất con như bà đang phải trải qua.

Nguyên chỉ có thể đứng đấy, yên lặng cho bà tựa đầu vào khi đã không còn khóc được nữa. Mái tóc bà dường như đã thêm nhiều sợi bạc hơn. Những vết chân chim nơi khóe mắt dường như cũng như nhiều thêm. Người đàn bà ấy! bà đã mất con thật rồi.

Dẫu không cùng máu mủ, chỉ biết bà qua những chuyến công tác từ thiện của Bệnh viện nơi cô tổ chức thăm khám cho bà con vùng cao. Nhưng sao nhìn ánh mắt của bà ấy, nghĩ tới những điều bà ấy đã làm, những nỗi đau bà ấy đang phải trải qua làm Nguyên đau lòng quá.

Người đàn bà ấy đang giận, đang trách con trai bà, nhưng Nguyên biết trái tim bà đang bị hàng ngàn mũi dao cứa vào rướm máu. Bởi trong sâu thẳm trái tim bà Y Luynh vẫn là đứa con bà yêu thương trân quý hơn cả sinh mạng. Nắng chiều nhạt dần, bóng của hai người đàn bà làm mẹ đang dựa vào nhau. Rồi đây có những nỗi đau, những vết thương sẽ không thể nào lành lại.

Oanh Hương