Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2023; Công bố và trao Quyết định Bổ nhiệm lại chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh

Cập nhật lúc: 14:09 06/01/2023

Ngày 04/01/2023, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của TAND hai cấp.

Đến dự có các đồng chí ông Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk; ông Ngô Tiến Hùng, Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo đơn vị khách mời có đồng chí Nguyễn Xuân Hòa – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Lê Văn Hảo - Phó Chánh thanh tra tỉnh  

Về phía TAND tỉnh có đồng chí Nguyễn Duy Hữu - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk và các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động thuộc TAND Hai cấp tỉnh Đắk Lắk.

Đồng chí Nguyễn Duy Hữu – Chánh án TAND tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk gồm 15 đơn vị cấp huyện, 05 Tòa chuyên trách, 03 phòng nghiệp vụ. Tính đến 31/10/2022, Tòa án nhân dân hai cấp có 283 biên chế và 44 hợp đồng lao động. Cụ thể các chức danh: 143 Thẩm phán (Cao cấp: 01; Trung cấp: 50; Sơ cấp: 92), 113 Thẩm tra viên, Thư ký và 27 chức danh khác. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án không ngừng được nâng lên. Về trình độ chuyên môn: 254 (100%) công chức có chức danh tư pháp có trình độ từ Cử nhân luật. Trong đó: 01 người có trình độ tiến sĩ (0,4%); 140/257 người có trình độ từ thạc sỹ luật học trở lên, chiếm 55,1%. Về trình độ lý luận chính trị: có 34 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 82 cán bộ trình độ trung cấp lý luận chính trị.

Hoạt động trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, các vụ án ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp đã đặt ra cho TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk không ít khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh đó, đơn vị đã chủ động lập kế hoạch, chương trình công tác khoa học, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm duy trì tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, không để xảy ra trường hợp kết án oan sai hay bỏ lọt tội phạm, hạn chế thấp nhất án bị hủy, sửa; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, các phiên tòa lưu động, phiên tòa rút kinh nghiệm được quan tâm, chú trọng và phát huy hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật; việc công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của TAND được thực hiện nghiêm túc.

Tổng kết công tác chuyên môn, nghiệp vụ: Trong năm 2022, Tòa án hai cấp đã giải quyết 13.267 vụ việc trong tổng số 14.384 vụ, việc đã thụ lý các loại (Đạt 92,2%) (bao gồm: các vụ án hình sự; vụ, việc dân sự; vụ án hành chính; yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp và việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án); 1.117 vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong đó, giải quyết theo trình tự sơ thẩm 12.479 vụ việc trên tổng số 13.591 vụ việc; giải quyết theo trình tự phúc thẩm 788 vụ trên tổng số 793 vụ. Theo số liệu thống kê, số lượng các loại vụ án TAND hai cấp phải giải quyết tăng dần qua mỗi năm. So cùng kỳ năm 2021, số vụ việc thụ lý tăng 571 vụ việc (tăng 17%), theo đó số vụ việc đã giải quyết cũng tăng 1.037 vụ . Số lượng các vụ việc mà Tòa án hai cấp phải giải quyết tập trung chủ yếu ở các loại vụ việc hôn nhân và gia đình (chiếm 40,7%), dân sự (chiếm 41,1%) và án hình sự (chiếm 11,4%). Tỷ lệ các vụ án mà Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk bị hủy, sửa theo thủ tục phúc thẩm và giám đốc thẩm do nguyên chủ quan là 0,88% thấp dưới mức khởi điểm làm căn cứ tính thi đua của Tòa án nhân dân tối cao.

- Về công tác giải quyết các vụ án hình sự: Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 1.639 vụ với 3.527 bị cáo; đã giải quyết 1.631 vụ 3.502 bị cáo (đạt 99,5% vượt 9,5% chỉ tiêu đề ra)

- Về công tác giải quyết các vụ việc dân sự (bao gồm các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động): thụ lý 11.933 vụ việc; giải quyết 10.834 vụ việc (đạt 90,8%).

- Về công tác thụ lý, giải quyết các vụ án Hành chính: thụ lý 255 vụ; đã giải quyết 245 vụ (đạt 96,1%; vượt 31,1% so với chỉ tiêu Quốc Hội đặt ra).

Bên cạnh đó, Tòa án hai cấp đã tổ chức 267 phiên tòa rút kinh nghiệm đối với các loại vụ, việc, trong đó có 107 phiên tòa phối hợp với Viện kiểm sát rút kinh nghiệm chung cho cả hai đơn vị.

- Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án: Tòa án hai cấp đã thụ lý và giải quyết 557 (Đạt 100%) hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

TAND hai cấp đã ban hành 2.637 quyết định thi hành bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật, uỷ thác thi hành án đối với 276 trường hợp. Thành lập Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 1.239 phạm nhân cải tạo tốt đang chấp hành án tại trại giam Đắk Tân, Đắk Trung và Trại tạm giam công an tỉnh Đắk Lắk nhân dịp Tết Nguyên đán, Lễ 30/4 và Ngày Quốc khánh 2/9 năm 2022; Giảm và tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với 930 phạm nhân; Rút ngắn thời hạn thử thách án treo đối với 213 người chấp hành án.

Năm 2022, Tòa án hai cấp đã tuyên thu nộp án phí 19.407.105.315 đồng vào ngân sách nhà nước; xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với 99 trường hợp với tổng số tiền được miễn, giảm là 335.566.186 đồng, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Tỷ lệ các vụ án mà Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk bị hủy án theo thủ tục phúc thẩm và giám đốc thẩm do nguyên nhân chủ quan là 0,6%; sửa 0,48%, thấp dưới mức khởi điểm làm căn cứ tính thi đua của Tòa án nhân dân tối cao.

Đồng thời trong năm 2022 TAND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp cùng Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 trong xét xử các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk và một số vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015”; phối hợp cùng Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “NÂNG CAO HIỆU QUẢ XỬ LÝ TỘI PHẠM VỀ ĐỘNG VẬT HOANG DÔ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 trong xét xử các vụ án về động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo: Việc tiếp công dân, tiếp nhận đơn và mở sổ theo dõi để phân loại xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Công tác này thường xuyên được kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời không để xảy ra tình trạng tồn đọng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài. Trong năm 2022, đã thụ lý 85 đơn khiếu nại, 08 đơn tố cáo về quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thư ký trong quá trình tiến hành tố tụng như: Thông báo trả lại đơn khởi kiện, thẩm định, định giá tài sản… Qua xác minh sự việc, Tòa án nhân dân hai cấp chấp nhận nội dung khiếu nại đối với đối với 06 đơn; chấp nhận 1 phần nội dung khiếu nại đối với 17 đơn; không chấp nhận đối với 59 đơn khiếu nại và 07 đơn tố cáo.

Công tác trọng tâm của Tòa án là công tác xét xử nên rất nhiều người dân đến nộp đơn khởi kiện tại Tòa án vì vậy việc tiếp công dân là công tác thường xuyên và được lãnh đạo TAND hai cấp chú trọng, theo dõi sát sao. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh thống nhất giao cho tổ Hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân tỉnh và 15 Tòa án nhân dân cấp huyện duy trì thường xuyên việc tiếp công dân vào các ngày làm việc trong tuần.

Về tiến độ giải quyết các vụ việc: trong năm, với việc thụ lý các loại vụ việc tăng và có tính chất phức tạp, khiếu kiện đông người, cùng với việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 (Trong 06 tháng đầu của năm) và các vụ án phức tạp trên địa bàn tỉnh phát sinh một số điểm nóng như các vụ án liên quan đến công ty cà phê cà phê Thắng Lợi (huyện Krông Pắc), Công ty cà phê 720… Tuy nhiên, Thẩm phán, Thư ký Tòa án hai cấp đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao cùng với việc lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực như: tạo điều kiện để Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký nâng cao trình độ chuyên môn; tổ chức 388 phiên tòa rút kinh nghiệm; công khai 2.282 bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ... nên tỉ lệ giải quyết các loại án đều vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm; không có vụ án quá hạn luật định; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án thấp hơn 0,62% so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ hòa giải thành được duy trì ở mức cao (70%)...

Đồng chí Ngô Tiến Hùng – Thẩm phán TAND tối cao phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Ngô Tiến Hùng, Thẩm phán TANDTC ghi nhận và đánh giá cao những thành tích và kết quả mà TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã đạt được, mặc dù nhiều khó khăn về điều kiện cơ ở vật chất, biên chế được phân bổ nhưng tập thể lãnh đạo TAND Hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã có những lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời để hoàn thành những chỉ tiêu đã đề ra, chụ thể đã được lãnh đạo TAND tối cao ghi nhận qua những quyết định khen thưởng đối với tập thể và cá nhận đã có thành tích xuất sắc trong năm 2022: “Đây còn là dịp để chúng ta tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì Công lý”.

Đồng thời, đồng chí Ngô Tiến Hùng đề nghị TAND Hai cấp tỉnh Đắk Lắk quán triệt và thực hiện nghiêm một số nội dung. Quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, nghiên cứu đóng góp ý kiến đối với các Đề án do TANDTC chủ trì về đổi mới tổ chức hoạt động, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, chuyên nghiệp. Đề nghị lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk đề cao và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương của TANDTC, tiếp tục triển khai có hiệu quả 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Chủ động, tích cực phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực địa phương và các cơ quan chức năng, kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, đảm bảo thực hiện phiên tòa trực tuyến theo nghị quyết số 33 của Quốc hội. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển điều động, chuyển đổi vị trí công tác để bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị có số lượng công việc nhiều, quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, quan tâm đời sống cán bộ nhất là cán bộ vùng sau, vùng xa, khen thưởng động viên kịp thời tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích xuất sắc.

Đồng chí Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị Đồng chí Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Thường trực tỉnh ủy ghi nhận và biêu dương những thành tích của TAND Hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong năm qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ ở vật chất, đội ngũ cán bộ ít nhưng tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức người lao động đã nỗ lực hết mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cũng như nhiệm vụ chính trị và góp phần giữ vững trật tự an ninh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đồng chí đề nghị Tập thể lãnh đạo TAND hai cấp cần tiếp tục quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết dại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII và Nghị quyết của Ban cán sự Đảng TAND tối cao và TAND tỉnh, các Nghị quyết về cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng xét xử và giải quyết các vụ án bảo đảm các phán quyêt đúng pháp luật, không có oan sai. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức chính trị, có năng lực chuyên môn cao đáp ứng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Tại Hội nghị, Thừa ủy quyền của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đồng chí Nguyễn Duy Hữu, tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh đã trao quyết định Bổ nhiệm lại chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh cho đồng chí Nguyễn Văn Chung, thời gian giữ chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh là 05 năm kể từ ngày 15/12/2022

Đồng chí Nguyễn Duy Hữu – Chánh án TAND tỉnh trao quyết định bổ nhiệm lại chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh cho đồng chí Nguyễn Văn Chung

Công tác thi đua khen thưởng và công tác khác: Trong năm 2022, Hội đồng thi đua khen thưởng TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk phát động 04 phong trào thi đua lập thành tích chào mừng các ngày Lễ lớn của dân tộc như ngày thành lập Đảng Cộng sản, Tết Nguyên đán, Giải phóng Miền Nam, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…Các phong trào thi đua yêu nước luôn gắn liền với hoạt động nghiệp vụ đã tạo không khí sôi nổi trong đơn vị, kịp thời khuyến khích, động viên cán bộ, công chức ra sức hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu đề ra. Song song với đó là việc tăng cường học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với mục tiêu trọng tâm là “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND”. Cùng với đó, cán bộ, công chức TAND hai cấp luôn nhiệt tình đóng góp các quỹ do TAND tối cao và địa phương phát động, tham gia ủng hộ quân dân huyện đảo Trường Sa, nạn nhân chất độc da cam, đồng bào chịu thiệt hại do thiên tai và ủng hộ phong trào tòandân phòng chống đại dịch Covid 19; thăm hỏi và tặng quà cho các hộ gia đình thuộc Buôn kết nghĩa;… Những hành động này đã thể hiện được phần nào trách nhiệm của cán bộ, công chức TAND hai cấp đối với cộng đồng và xã hội.

Công tác thi đua, khen thưởng của TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk đạt được nhiều thành tích, kết quả đáng ghi nhận và tự hào:

- Đối với tập thể:

Có 03 đơn vị Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt danh hiệu “Cờ thi đua Toà án nhân dân” năm 2022 - TAND tỉnh, TAND thành phố Buôn Ma Thuột và TAND huyện Buôn Đôn.

Đồng chí Ngô Tiến Hùng – Thẩm phán TAND tỉnh trao cờ Thi đua Toà án nhân dân năm 2022 cho 03 tập thể

Có 08 đơn vị được công nhận “Tập thể lao động xuất sắc” được Chánh án TAND tối cao tặng Bằng khen (Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và thi đua khen thưởng, Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, Tòa Hành chính, Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo,)

 

Đồng chí Y Biêr Niê – Phó Bí Thư tỉnh ủy Đắk Lắk trao danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc tại hội nghị

Có 04 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua TAND” (Đồng chí Nguyễn Nguyễn Duy Hữu – Chánh án TAND tỉnh; Đồng chí Nguyễn Sy Thành - Chánh án TAND huyện Buôn Đôn; Đồng chí Hoàng Vấn - Thư ký TAND tỉnh; Đồng chí Võ Thị Phượng Văn thư TAND huyện Buôn Đôn).

Đồng chí Ngô Tiến Hùng trao danh hiệu Chiến sỹ thi đua Tòa án nhân dân tại Hội nghị

Có 02 tập thể, 23 cá nhân Cán bộ công chức và 02 Hội thẩm nhân dân được Chánh án TAND tối cao tặng Bằng khen

Đ/c Ngô Tiến Hùng – Thẩm phán TAND tối cao trao Bằng khen của Chánh án TAND tối cao cho các cá nhân tại Hội nghị

Bên cạnh những thành tích đạt được, Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế tồn tại như còn tình trạng án bị hủy, sửa do vi phạm thủ tục tố tụng; một số cán bộ, công chức có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật. Nguyên nhân của những hạn chế chủ yếu do các loại án đều tăng về số lượng, tính chất phức tạp, pháp luật quy định chưa rõ ràng, một số cán bộ, công chức chưa chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ. Để khắc phục, thời gian tới TAND hai cấp tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cải tiến phương thức chỉ đạo điều hành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác xét xử, đặc biệt là chú trọng công đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023, cụ thể đó là: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội cũng như các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án đã đề ra. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Khắc phục triệt để các vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan của Tòa án hai cấp; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự. Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Chủ động xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp. Tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để góp phần giảm áp lực công việc cho đơn vị. Thực hiện có hiệu quả các Đề án về tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ chính sách trong Tòa án nhân dân ngay sau khi Tòa án nhân dân tối cao triển khai. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của Tòa án nhân dân hai cấp, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chức danh tư pháp. Thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, Thẩm phán, chuyển đổi vị trí công tác. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động công vụ; kiểm tra công tác chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện tốt Quy tắc đạo đức ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án nhân dân; tăng cường giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm gắn với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới xây dựng Tòa án điện tử; tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến. Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp; tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “hành chính tư pháp” để thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau các phiên tòa. Tiếp tục tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế với Tòa án sơ thẩm tỉnh Mondulkiri – Vương quốc Campuchia và Tòa án nhân dân tỉnh Chăm Pa Sắc – CHDCND Lào. Phối hợp với các cơ quan có liên quan làm tốt công tác tương trợ tư pháp. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về hoạt động của Tòa án hai cấp nhằm góp phần xây dựng nhận thức chung và tạo sự đồng thuận trong xã hội, từ đó củng cố uy tín, niềm tin của Nhân dân đối với Tòa án.

Thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì Công lý” bảo đảm thực chất, sáng tạo, bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân hai cấp. Đổi mới mạnh mẽ phong trào thi đua, vinh danh, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Hữu chúc mừng và biểu dương những thành tích TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk các tập thể và cá nhân đã đạt được. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực nhưng vượt lên tất cả đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án đảm bảo tiến độ và chất lượng, tỷ lệ giải quyết án cao. Đồng chí tin tưởng trong thời gian tới, cán bộ, công chức, người lao động TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được Đảng và Nhà nước giao phó. Đồng thời tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong năm công tác 2023.

Thành Trung – Nguyễn Nhung