Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024

Cập nhật lúc: 09:10 08/01/2024

Ngày 05/01/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của TAND hai cấp.

Đến dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trí Tuệ - Uỷ Viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; đồng chí Y Biêr Niê – Phó Bí Thư tỉnh uỷ Đắk Lắk; đồng chí Nguyễn Văn Toàn – Uỷ viên thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo đơn vị khách mời có đồng chí Nhâm Đức Giang – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Lê Văn Hảo - Phó Chánh thanh tra tỉnh; đồng chí Hoàng Trọng Hùng – Phó Giám đốc sở Tư Pháp tỉnh; đồng chí Vũ Tiến Thăng – Chánh Văn phòng cơ quan điêu tra công an tỉnh; ông Tạ Quang Tòng – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk.

Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TAND tối cao phát biểu tại Hội nghị.

Về phía Lãnh đạo TAND tỉnh có đồng chí Nguyễn Duy Hữu - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk và các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động thuộc TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk.

Đồng chí Nguyễn Duy Hữu – Chánh án TAND tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk gồm 15 đơn vị cấp huyện, 05 Tòa chuyên trách, 03 phòng nghiệp vụ, với 288 biên chế (gồm: 145 Thẩm phán; 09 Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính; 114 Thư ký; 29 chức danh khác) và 48 hợp đồng lao động. Về trình độ chuyên môn: 265/266 (99,6%) người có chức danh tư pháp có trình độ từ Cử nhân luật trở lên. Trong đó: 01 người có trình độ Tiến sỹ; 117/266 (44%) người có trình độ Thạc sĩ luật học. Về trình độ lý luận chính trị: Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk có 31 người có trình độ Cao cấp lý luận chính trị; 84 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

 Hoạt động trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, các vụ án ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp đã đặt ra cho TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk không ít khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh đó, đơn vị đã chủ động lập kế hoạch, chương trình công tác khoa học, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm duy trì tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, không để xảy ra trường hợp kết án oan sai hay bỏ lọt tội phạm, hạn chế thấp nhất án bị hủy, sửa; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, các phiên tòa lưu động, phiên tòa rút kinh nghiệm được quan tâm, chú trọng và phát huy hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật; việc công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của TAND được thực hiện nghiêm túc.

Tổng kết công tác chuyên môn, nghiệp vụ: Trong năm 2023, Tòa án hai cấp đã giải quyết 13.189 vụ việc trong tổng số 14.120 vụ, việc đã thụ lý các loại (Đạt 93,4%). Trong đó, giải quyết theo trình tự sơ thẩm 12.327 vụ việc trên tổng số 13.255 vụ việc; giải quyết theo trình tự phúc thẩm 862 vụ trên tổng số 865 vụ. So cùng kỳ năm 2022, số vụ việc thụ lý giảm 264 vụ. Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được nâng cao, tỉ lệ bản án, quyết định của Tòa án hai cấp bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa do lỗi chủ quan là 0,8%, giảm so với năm 2022 và thấp hơn mức quy định của Quốc hội và TANDTC đặt ra.

Về công tác giải quyết các vụ án hình sự: Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 1.660 vụ với 3.161 bị cáo; đã giải quyết 1.654 vụ 3.149 bị cáo (đạt 99,6%; vượt 9,6% chỉ tiêu đề ra). Trong đó: Theo trình tự sơ thẩm: thụ lý 1.360 vụ 2.656 bị cáo; giải quyết 1.355 vụ 2.645 bị cáo; còn lại 05 vụ 11 bị cáo; Theo trình tự phúc thẩm: Thụ lý 300 vụ 505 bị cáo; giải quyết 299 vụ 504 bị cáo; còn lại 01 vụ 01 bị cáo.

Về công tác giải quyết các vụ việc dân sự (bao gồm các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp): thụ lý 11.687 vụ việc; giải quyết 10.768 vụ việc (đạt 93%; vượt 8% chỉ tiêu đề ra). Cụ thể như sau:

Án Dân sự: Thụ lý: 5.496 vụ, việc; đã giải quyết 4.698 vụ việc (đạt 85,4%);

Án Hôn nhân và gia đình: Thụ lý 6.045 vụ việc; đã giải quyết, xét xử 5.949 vụ việc (đạt 98,4%);

Án Kinh doanh thương mại: Thụ lý 122 vụ việc; đã giải quyết 103 vụ việc (đạt 84,4%);

Án Lao động: Thụ lý 19 vụ việc; đã giải quyết 17 vụ việc (đạt 89,4%); còn lại 02 vụ việc.

Về công tác thụ lý, giải quyết các vụ án Hành chính: thụ lý 275 vụ; đã giải quyết 269 vụ (đạt 97,8%; vượt 32,8% chỉ tiêu đề ra). Trong đó: Theo trình tự sơ thẩm: Thụ lý 267 vụ; giải quyết 261 vụ; Theo trình tự phúc thẩm: Thụ lý và giải quyết 08 vụ.

Qua số liệu thụ lý, giải quyết trong năm 2023 cho thấy các vụ án hành chính chủ yếu liên quan tới khiếu kiện các QĐ hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trong trường hợp bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm hơn 90% trên tổng số án phải giải quyết. Nổi lên trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dự án tập trung tại: phường Tân An (Cụm Công nghiệp Tân An, Khu dân cư TDP 12, khối 6, Km7), Phường Thành Nhất (Khu dân cư phía Nam, phía Bắc), xã Hòa Thắng (đường tránh Đông Tây), cụm đường 30/4…do không đồng ý với các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án nên người dân đã khởi kiện tại Tòa án. Bên cạnh đó tình trạng cấp giấy CNQSDĐ bị chồng, không đúng vị trí, không đúng đối tượng ở một số địa phương nên người dân đã tập trung khởi kiện yêu cầu huỷ GCNQSD đất dẫn đến gia tăng số lượng án hành chính trong năm qua. Quá trình giải quyết Tòa án hai cấp đã có nhiều cố gắng trong giải quyết nhanh chóng, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu; chú trọng việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện nên một số vụ án các bên đã thống nhất cách thức giải quyết và người khởi kiện đã rút đơn khởi kiện. Với việc thực hiện hiệu quả, quyết liệt các giải pháp, chất lượng giải quyết án hành chính trong năm đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Về xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; công tác xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước

Triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 ngày 13/12/2022 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, trong năm 2023 Tòa án hai cấp đã thụ lý và giải quyết 498  hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Đạt tỷ lệ 100%).

Ngoài ra, trong năm Tòa án hai cấp đã tuyên quyết định thu nộp đối với 24.717.907.067 đồng án phí vào ngân sách nhà nước; xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với 144 trường hợp với tổng số tiền được miễn, giảm là 432.825.232 đồng.

Tòa án nhân dân hai cấp đã ban hành 2.307 quyết định thi hành bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật, uỷ thác thi hành án đối với 196 trường hợp. Thành lập Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với 2.062 phạm nhân, giảm và tha tù trước thời hạn đối với 1.018 phạm nhân đã chấp hành hình phạt và cải tạo tốt theo đề nghị của các Trại giam, nhà tạm giữ; rút ngắn thời gian thử thách án treo đối với 227 trường hợp, giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với 70 trường hợp; Các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đều được đưa ra thi hành nghiêm túc, kịp thời.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tiếp tục tập trung vào việc thực hiện tốt mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc, triển khai đồng bộ việc nhập dữ liệu thông tin, số hóa bản án, các quyết định tố tụng đã ban hành trong quá trình thụ lý, giải quyết cho đến giai đoạn lưu trữ hồ sơ. Bên cạnh đó Tòa án hai cấp tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Tòa án: khai thác sử dụng phần mềm Trợ lý ảo Thẩm phán; dịch vụ công trực tuyến đã liên thông Cổng dịch vụ công quốc gia; phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong hệ thống Tòa án; tổ chức 310 phiên tòa rút kinh nghiệm/141 Thẩm phán; đã công bố 3.383 Bản án trên Cổng thông tin điện tử của TAND; tổ chức 83 phiên tòa trực tuyến.

Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong công tác giải quyết án dân sự, hành chính, theo đó có 7.893 vụ việc đã được hòa giải, đối thoại thành theo thủ tục tố tụng, chiếm 72%; Ngoài ra, trong 927 đơn khởi kiện chuyển sang thủ tục hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án có 554 vụ hòa giải thành, chiếm 60%. Việc ban hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành đã kịp thời, nhanh gọn, đúng pháp luật là cơ sở để các bên tự nguyện thi hành, đồng thời là niềm tin để các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của mình.

Về công tác hợp tác quốc tế: trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia, TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk và Tòa sơ thẩm tỉnh Mondulkiri – Vương quốc Campuchia thường xuyên giữ mối liên hệ, thông qua 02 Hội nghị hợp tác được tổ chức vào tháng 11/2022 và tháng 05/2023, hai đơn vị đã chia sẻ kịp thời các thông tin phòng, chống tội phạm góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển giữa hai nước.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TAND tố cao chúc mừng và biểu dương những thành tích TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk các tập thể và cá nhân đã đạt được. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực nhưng vượt lên tất cả đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án đảm bảo tiến độ và chất lượng, tỷ lệ giải quyết án cao. Đồng chí tin tưởng trong thời gian tới, cán bộ, công chức, người lao động TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được Đảng và Nhà nước giao phó. Đồng thời tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong năm công tác 2024 cũng như tiến tới xây dựng đơn vị vững mạnh góp phần xây dựng Hệ thống Tòa án điện tử theo tinh thần cải cách tư pháp đã đề ra.

Đồng chí Nguyễn Văn Chung – Phó Chánh án TAND tỉnh báo cáo tổng hợp rút kinh nghiệm công tác chuyên môn  tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị có thành tích xuất sắc trình bày tham luận;

- TAND huyện Ea H’Leo: Các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên tòa xét xử trực tuyến.

Đồng chí Bùi Quốc Hà – Chánh án TAND huyện Ea H’ leo trình bày tham luận tại Hội nghị

- TAND thành phố Buôn Ma Thuột: Những kết quả nổi bật và bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác thụ lý, giải quyết các loại vụ việc.

Đồng chí Nguyễn Duy Dương – Chánh án TAND thành phố Buôn Ma Thuột trình bày tham luận tại Hội nghị

Đồng chí Trịnh Văn Toàn –Phó Chánh án TAND phát động phong trào thi đua tại Hội nghị.

Công tác thi đua khen thưởng và công tác khác:

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023 của TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk; Hội đồng thi đua khen thưởng TAND tỉnh Đắk Lắk đã phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023 với mục đích, yêu cầu, tiêu chí cụ thể để cán bộ công chức, người lao động có động lực tích cực chủ động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong năm đã phát động 03 đợt thi đua ngắn ngày. Tích cực tham gia phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”: Trong năm Tòa án nhân dân hai cấp đã thực hiện công tác thi đua xây dựng nông thôn mới thông qua các hình thức hỗ trợ thôn Buôn kết nghĩa phát triển kinh tế xã hội, ủng hộ, thăm hỏi động viên đồng bào, trẻ em và các gia đình chính sách tại các Buôn kết nghĩa và các quỹ từ thiện xã hội với tổng số tiền 118.765.000đ; ủng hộ quân dân huyện đảo Trường Sa 508.352.000đ.

Công tác thi đua, khen thưởng của TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk đạt được nhiều thành tích, kết quả đáng ghi nhận và tự hào:

Kết quả khen thưởng các loại năm 2023: Có 01 Tập thể được đề nghị tặng “Cờ thi đua Chính phủ” của Thủ tướng Chính phủ- TAND tỉnh Đắk Lắk; 02 đơn vị được tặng “Cờ thi đua TAND” của Chánh án TANDTC- TAND thành phố Buôn Ma Thuột và TAND huyện Ea Hleo; 01 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án”; 11 tập thể được công nhận Tập thể xuất sắc; 03 tập thể; 06 công chức, 17 Hội thẩm được tặng “Bằng khen” của Chánh án TANDTC. Có 38 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; 21 tập thể; 316 cá nhân đạt “Lao động tiên tiến”; 03 tập thể, 154 cá nhân được Chánh án TAND tỉnh tặng Giấy khen năm, 06 tập thể, 93 cá nhận được tặng Giấy khen đợt 1; 03 tập thể, 101 cá nhân được tặng Giấy khen đợt 2 có 13 tập thể, 123 cá nhân được tặng Giấy khen đợt 3.

Đ/c Nguyễn Trí Tuệ – Phó Chánh án TAND tối cao và Đ/c Y Biêr Niê Phó Bí thư Tỉnh ủy trao cờ Thi đua Toà ánh nhân dân năm 2023 cho tập thể TAND huyện Ea H’leo và TAND thành phố Buôn Ma Thuột

Đ/c Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TAND tối cao và  Đ/c Nguyễn Duy Hữu  – Chánh án TAND tỉnh trao danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho các tập thể

Có 01 đồng chí đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án” và được Chánh án TAND tối cao tặng bằng khen.

Đ/c Nguyễn Trí Tuệ – Phó Chánh án TAND tối cao trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Tòa án của Chánh án TAND tối cao cho đồng chí Nguyễn Bá Nhất.

Có 05 cá nhân Cán bộ công chức và 05 Hội thẩm nhân dân được Chánh án TAND tối cao tặng Bằng khen giai đoạn 05 (2015 -2020)

Đ/c Nguyễn Duy Hữu- Chánh án TAND tỉnh và đồng chí Trịnh Văn Tòa – Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk trao Bằng khen của Chánh án TAND tối cao cho các Hội thẩm nhân dân tại Hội nghị

Đ/c Nguyễn Duy Hữu- Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk trao Bằng khen của Chánh án TAND tối cao cho các tập thể và cá nhân tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp TAND tỉnh cho đồng chí Võ Thanh Hà.

Đồng chí Nguyễn Duy Hữu- Chánh án TAND tỉnh trao quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán sơ cấp cho các đồng chí tại Hội nghị.

Bên cạnh những thành tích đạt được, Hội nghị đã chỉ ra những hạn chế tồn tại như còn tình trạng án bị hủy, sửa do vi phạm thủ tục tố tụng; Nguyên nhân của những hạn chế chủ yếu do các loại án đều tăng về số lượng, tính chất phức tạp, pháp luật quy định chưa rõ ràng, một số cán bộ, công chức chưa chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ. Để khắc phục, thời gian tới TAND hai cấp tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cải tiến phương thức chỉ đạo điều hành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác xét xử, đặc biệt là chú trọng công đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024, cụ thể: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp; Tập trung thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội cũng như các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án đã đề ra trong năm 2024; Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/2023/CT-TA ngày 12/12/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc tăng cường thực hiện kỷ cương, kỷ luật công vụ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong các Tòa án nhân dân; Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành theo hướng phân công, phân nhiệm hợp lý đảm bảo rành mạch giữa quản lý, điều hành hoạt động nội bộ của Tòa án hai cấp với hoạt động tố tụng.

Thành Trung