Tọa đàm về thực tiễn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự

Cập nhật lúc: 11:05 28/06/2022

Sáng ngày 25/6/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp cùng Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 trong xét xử các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk và một số vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015”.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Tham dự buổi Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật và các giảng viên cơ hữu Khoa luật, các nhà nghiên cứu khoa học, cộng tác viên là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp. Về phía TAND tỉnh có sự tham gia của TS. Nguyễn Duy Hữu – Bí thư BCS đảng, Chánh án và các đồng chí Phó chánh án, lãnh đạo Tòa hình sự và TAND thành phố Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, buổi Tọa đàm còn có sự tham gia lãnh đạo các đơn vị TAND các tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng, Kon Tum, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk, chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk.

BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018) cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử, góp phần có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu khoa học luật hình sự, trong một số cấu thành tội phạm vẫn có nội dung còn chưa thống nhất, một số tình tiết định khung, định tội danh và quyết định hình phạt, đánh giá chứng cứ đối với tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng vào thực tiễn xét xử... những thiếu sót, hạn chế trong thực tiễn cùng với nhận thức chưa thống nhất trong lý luận đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung.

Tại buổi tọa đàm, Thẩm phán TAND 2 cấp tỉnh Đắk Lắk đã trao đổi các vấn đề phát sinh từ thực tiễn xét xử nhóm tội phạm trên. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học pháp lý cũng chia sẻ nhiều vấn đề mang tính lý luận về tội phạm, cấu thành tội phạm, một số tình tiết định khung, các trường hợp loại trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…

 

Thẩm phán TAND Thành phố Buôn Ma Thuột trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm

Theo số liệu thống kê cho thấy, kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực đến nay, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk thụ lý 1.252 vụ 1.967 bị cáo về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo trình tự sơ thẩm; đã giải quyết, xét xử 1.219 vụ 1.918 bị cáo. Qua thống kê trên cho thấy, số vụ án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người mà Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk phải giải quyết hàng năm chiếm tỷ lệ dao động từ 20% đến 30% trên tổng số các vụ án hình sự phải giải quyết, tập trung tại các tội giết người, cố ý gây thương tích.

N.A.T