Chứng cứ trả nợ chỉ là lòng tin

Cập nhật lúc: 15:58 07/08/2020

Nhằm nâng cao chất lượng xét xử cho Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án. Ngày 29/7/2020 Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện M’Đrắk cùng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

Phiên tòa được lựa chọn là một vụ kiện dân sự về “ Tranh chấp hợp đồng vay tài sản ” mà các đương sự đều là người đồng bào dân tộc thiểu số (Ê đê), có sự tham gia của Luật sư, trợ giúp viên pháp lý và người phiên dịch.

Nội dung vụ kiện được thể hiện như sau:

Do cần tiền để trả nợ, mua sắm phương tiện, sinh hoạt trong gia đình. Bị đơn là vợ chồng ông Y Dhim Krông, bà H’Nghi Niê đã nhờ nguyên đơn là bà H’Chel Niê đi vay cho bị đơn 800.000.000đồng (Tám trăm triệu đồng). Mặc dù đã quá hạn một thời gian dài nhưng bị đơn không trả được nợ nên ngày 21/4/2020 bà H’Chel Niê đã khởi kiện đến Tòa án yêu cầu bị đơn phải trả nợ gốc 800.000.000đồng cùng lãi suất phát sinh lãi suất phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự

Bị đơn phản đối cho rằng đã trả cho nguyên đơn được 610.000.000đồng, nhưng vì lòng tin, nên bị đơn không yêu cầu nguyên đơn xác nhận số tiền đã trả. Do đó, bị đơn không có một tài liệu hay chứng cứ nào để chứng minh cho lời phản tố của mình. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Các đương sự phiên tòa

Vụ án tưởng chừng như đơn giản nhưng các đương sự là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, bị đơn thuộc hộ nghèo. Như vậy số tiền nợ là ngoài sức tưởng tượng đối với bị đơn.

Qua nội dung vụ kiện nêu trên là lời cảnh báo cho những người đi vay hoặc người cho vay đều phải lường trước được hậu quả pháp lý về khả năng thanh toán, nghĩa vụ trả nợ, đảm bảo hoàn thành đúng với nội dung hợp đồng, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Pháp luật để góp phần bình ổn trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Võ Đức Hợi, Phạm Công Đức