Ea Súp: Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

Cập nhật lúc: 15:45 30/06/2020

Thực hiện Kế hoạch công tác xét xử năm 2020, ngày 24/6/2020, Tòa án nhân dân huyện Ea Súp phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp mở phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Y Hyơr Siu, sinh năm 1987, trú tại buôn A2, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, phạm tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại điểm a, k khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.

Theo hồ sơ vụ án: Để có tiền tiêu xài cá nhân ngày 07/02/2020 bị cáo Y Hyơr Siu cùng một số đối tượng trong buôn mang cưa lốc vào tiểu khu 239, xã Cư Mlan, huyện Ea Súp cắt gỗ trái phép. Khoảng 16 giờ cùng bị cáo cùng các đối tượng chở 02 đoạn gỗ hương, 03 hộp gỗ muồng về. Khi đang di chuyển trên đường thì bị anh Ngô Lê Nhật Tiến và Nguyễn Văn Triều là cán bộ kiểm lâm vườn quốc gia Yok Don phát hiện, bắt giữ. Trong lúc lực lượng kiểm lâm đang kiểm tra, để lấy cưa lốc và xe bỏ chạy bị cáo Y Hyơr Siu đã bất ngờ nhặt 01 khúc cây tre ném trúng vào trán của anh Tiến gây thương tích 06%.

Các đối tượng đi cùng không có hành vi đồng phạm với bị cáo, số gỗ vận chuyển chưa đủ khối lượng để xử lý hình sự. Nên xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển trái phép lâm sản.

Bị cáo Y Hyơr Siu tại phiên tòa

Tại phiên tòa bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra và kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, bị hại. Hội đồng xét xử  tuyên phạt bị cáo 06 tháng tù.

Sau phiên tòa, Lãnh đạo Tòa án, Viện kiểm sát, các thành viên trong Hội đồng xét xử, Thẩm phán, Thư ký, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tham gia cuộc họp rút kinh nghiệm. Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa đã điều hành phiên tòa tuân theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bảo đảm phiên tòa diễn ra nghiêm minh và dân chủ; Bản án được tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được sự đồng tình ủng hộ của người tham dự phiên tòa; Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có ý nghĩa thiết thực nhằm giúp các Thẩm phán, Kiểm sát viên,Thư ký nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hình sự phức tạp, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ chính trị đề ra./.

Nguyễn Xiêm