Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk

Cập nhật lúc: 14:38 15/11/2017

Trong những năm qua, Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk đã khắc phục khó khăn, thi đua hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết án; không để tồn đọng và kéo dài, không kết án oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Ghi nhận kết quả đó, năm 2017, Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo vinh dự được Cụm thi đua số III – Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên bỏ phiếu suy tôn danh hiệu “Cờ thi đua Chính phủ”.

Năm 2017, Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo với tinh thần phát huy kết quả công tác đạt được trong năm 2016, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống Tòa án nhân dân theo chủ đề xuyên suốt: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với việc triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo ra không khí thi đua sôi nổi, chủ động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, cụ thể hóa chủ đề, nội dung, mục tiêu thi đua năm 2017 do Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát động theo chủ đề xuyên suốt “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”. Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác do hệ thống Tòa án nhân dân đề ra.

Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng của Cụm thi đua số III

Tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng của Cụm thi đua số III, đồng chí Bùi Quốc Hà, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo vinh dự là một trong 3 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện điển hình tiên tiến được phát biểu tham luận tại Hội nghị cho biết: Với sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Tòa án Nhân dân tỉnh, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và mối quan hệ đoàn kết, phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện, Tòa án nhân dân huyện luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Ngay từ đầu năm, Tòa án đã tổ chức ký giao ước và phát động nhiều phong trào thi đua tới cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị.

Trong năm, Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo thụ lý, giải quyết là 903/951 vụ, việc đạt tỷ lệ 95%. So với năm 2016, số án thụ lý tăng 111 vụ, số án giải quyết tăng 86 vụ. Số án bị hủy: 03 vụ, chiếm tỷ lệ 0,33 %; không có án bị sửa, không có án oan sai, bỏ lọt tội pham. Tỷ lệ án bình quân mà mỗi thẩm phán phải giải quyết rất cao (so với mức quy định chung của Tòa án nhân dân tối cao là 60 vụ, việc/Thẩm phán/năm) là 112,8 vụ, việc/Thẩm phán/năm, đưa ra xét xử lưu động 26 vụ; tỷ lệ hòa giải thành đối với các loại vụ, việc dân sự là 88%; số vụ án đối thành thoại thành công chiếm tỷ lệ 67%. Ngoài ra, Tòa án nhân huyện Ea H’leo còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, phong trào do cơ quan, đoàn thể phát động như tham gia ngày môi trường, dọn vệ sinh đường phố, khu dân cư, giao lưu thi đấu thể thao với các cơ quan trong khối nội chính, tham gia hội diễn văn nghệ, hội thao của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh và hội thao Tòa án nhân dân khu vực Miền trung và Tây nguyên; tham gia hiến máu nhân đạo, phong trào ủng hộ mỗi cán bộ, công chức, người lao động mỗi tháng một ngày lương để ủng hộ quân dân huyện đảo Trường Sa...

Để có được kết quả công tác chuyên môn cả về số lượng và chất lượng, Lãnh đạo đơn vị nhận thấy cần phải nâng cao hơn nữa công tác chỉ đạo điều hành với phương châm: “Nâng cao chất lượng, vai trò của lãnh đạo trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn”. Theo đó, việc nâng cao chất lượng, vai trò lãnh đạo của người lãnh đạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là một trong những yếu tố mang tính quyết định. Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo đã đưa ra những giải pháp về tăng cường vai trò lãnh đạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn cụ thể như:

 - Lãnh đạo đơn vị luôn chủ động, đổi mới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể: Thực hiện việc phân công nhiệm vụ công tác trong tập thể lãnh đạo, lãnh đạo phụ trách tham mưu cho Chánh án chỉ đạo chung nhằm xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc và chịu trách nhiệm trước Chánh án để nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị góp phần đưa hoạt động của đơn vị được thông suốt, hoàn thành các mặt nhiệm vụ công tác được giao.

- Lãnh đạo đơn vị tổ chức giao ban tuần, tháng, quý hoặc đột xuất đối với toàn đơn vị để trực tiếp trao đổi nắm bắt tình hình nhằm đôn đốc và có biện pháp kịp thời, tranh thủ ý kiến chuyên môn của tập thể, xử lý dứt điểm đối với các loại án còn tồn đọng, án có nhiều tình tiết phức tạp. Đối với cá nhân có án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan phải làm báo cáo giải trình để kịp thời tổ chức kiểm điểm, chỉ ra nguyên nhân thiếu sót và có hướng khắc phục đối với cá nhân và rút kinh nghiệm chung trong toàn tập thể.

-  Đối với việc phân công Thẩm phán giải quyết án: Lãnh đạo đơn vị luôn xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Để làm tốt công việc này người lãnh đạo phải nắm được năng lực, khả năng, thế mạnh, sở trường cũng như những hạn chế, nhược điểm của từng Thẩm phán để có thể phân công trong những vụ án cụ thể nhằm phát huy tốt nhất sở trường của họ trong quá trình giải quyết án. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phải có cách thức để phát huy trí tuệ tập thể trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp, vướng mắc hoặc còn có nhiều ý kiến khác nhau trong vụ án, qua đó Thẩm phán được phân công có thể nắm chắc nội dung vụ án cũng như các căn cứ pháp luật để làm tốt công tác giải quyết án.

 - Trong công tác giải quyết án dân sự các loại và án hành chính các Thẩm phán được chỉ đạo sát sao về phương pháp giải quyết, chú trọng về kỹ năng hòa giải, đối thoại để nâng cao tỷ lệ hòa giải thành hoặc thông qua hòa giải các đương sự thống nhất với nhau về hướng giải quyết tranh chấp để từ đó rút đơn khởi kiện, đảm bảo vụ án được giải quyết một cách triệt để.

- Đối với án hình sự không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm, việc kết tội về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật trên cơ sở trừng trị người ngoan cố, cầm đầu, khoan hồng người biết ăn năn hối cải....trong đó, đặc biệt đã phối hợp cùng các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra xét xử được 26 vụ án lưu động, mở 08 phiên tòa rút kinh nghiệm chung cho Thẩm phán, thư ký...với kết quả đạt chất lượng cao.

- Phải xây dựng được kế hoạch công tác, bao gồm: Kế hoạch công tác theo chỉ tiêu của Tòa án nhân dân tối cao, kế hoạch công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương... Phải cụ thể hóa kế hoạch cho cả năm, hàng quý, hàng tháng và từng tuần trên cơ sở bám sát vào chỉ tiêu công tác của cấp trên giao và kế hoạch công tác của Tòa án nhân dân tỉnh, cấp ủy địa phương. Cần biết lựa chọn khâu đột phá phù hợp với đặc thù của đơn vị, địa phương để làm nổi bật hiệu quả hoạt động của đơn vị, cũng như vai trò của người lãnh đạo.

- Rèn kỹ năng tổ chức thực hiện điều hành hoạt động của cán bộ, đây là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng và hiệu quả của hoạt động lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, đòi hỏi lãnh đạo đơn vị phải có khả năng đánh giá cán bộ để sử dụng đúng người có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức bố trí, giao đúng người đúng việc; thực hiện đúng tuần tự các bước, các việc đã sắp xếp hợp lý, tối ưu để đạt kết quả cao; chỉ đạo công việc thành thạo, xử lý các tình huống trong lãnh đạo, quản lý đặt ra nhanh, đưa ra các quyết định đúng, trúng, mang tính thuyết phục cao; trong cuộc sống và trong công việc cần có lối sống hòa nhã, khiêm tốn, dân chủ, khách quan, công tâm, gương mẫu, quy tụ phát huy trí tuệ mọi người, dám làm, dám chịu.

Sự khách quan, công tâm thể hiện ở chỗ giao việc một cách công bằng, theo khả năng và dứt khoát không thiên vị; đánh giá đúng hiệu quả công việc của cán bộ để có quy chế bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; đối với những cán bộ có năng lực cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển và đưa vào quy hoạch chức danh quản lý, đó là vì mục đích chung cho sự phát triển của đơn vị, đồng thời cũng là nguồn động viên, khích lệ cán bộ cố gắng phấn đấu hết sức mình cho đơn vị, cho nhà nước và nhân dân.

Đặc biệt, trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn người lãnh đạo cần thể hiện khả năng dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, tránh việc đưa ra các chủ trương chung chung, khi có sai phạm thì đổ trách nhiệm cho cán bộ cấp dưới. Chính vì vậy, trong các vụ việc cụ thể cần hình thành cho cán bộ nguyên tắc xây dựng báo cáo đề xuất ghi rõ quan điểm đề xuất của cán bộ, chủ trương của lãnh đạo và người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm với những quyết định của mình.

Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo xác định mục tiêu tiếp tục củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đổi mới phong trào thi đua, đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến hơn nữa để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mặt công tác... luôn xứng đáng đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Tòa án nhân dân.

Lê Thị Thế