Bàn về chi phí trong Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Cập nhật lúc: 08:15 05/04/2023

Đối với các vụ việc dân sự tranh chấp có giá trị thấp thì chi phí không ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên đối với những vụ án có giá trị tài sản tranh chấp lớn thì việc giải quyết theo con đường Hòa giải tại Tòa án thì sẽ gây thất thoát lớn đối với ngân sách nhà nước.

Ngày 16/6/2020 Quốc hội đã thông qua Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.

“Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án….(Khoản 1 Điều 1 của Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án)”; “Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án; ... (Điều 5 của Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án)”.

Tại Điều 9 quy định về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Để cụ thể hóa nội dung trên, tại Điều 3, Điều 4 của Nghị định số 16/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ đã quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án và thù lao hòa giải viên tại Tòa án.

Ví dụ như tại điểm a khoản 1 Điều 3 quy định:

“ Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm:

a) Chi thù lao cho Hòa giải viên, chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải (chi văn phòng phẩm, nước uống, cước phí bưu chính, viễn thông phục vụ trực tiếp việc hòa giải);…”

Hay tại khoản 1 Điều 4:

“Mức thu cho việc chi thù lao của Hòa giải viên và chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch tại Tòa án quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định này là 2.000.000 đồng/01 vụ việc,…”

Theo quy định nêu trên, trừ các vụ việc tranh chấp dân sự nếu xem xét hiện trạng tài sản nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở thì chi phí khi Hòa giải tại Tòa án đối với các vụ việc tranh chấp dân sự khác sẽ do Ngân sách nhà nước bảo đảm chi trả.

Theo tác giả, việc quy định về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án như vậy vẫn còn chưa hợp lý. Theo thống kê, hàng năm các vụ án dân sự chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều nhất trong tổng số các loại án. Nếu quy định như vậy, trường hợp người khởi kiện, người bị kiện muốn trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước thì sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết theo con đường Hòa giải tại Tòa án trước khi thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường.

Đối với các vụ việc dân sự tranh chấp có giá trị thấp thì chi phí không ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên đối với những vụ án có giá trị tài sản tranh chấp lớn thì việc giải quyết theo con đường Hòa giải tại Tòa án thì sẽ gây thất thoát lớn đối với ngân sách nhà nước.

Để khắc phục hạn chế này, để nghị cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết và bổ sung thêm về nghĩa vụ chịu chi phí đối với những vụ việc tranh chấp dân sự có giá trị tài sản tranh chấp lớn (ví dụ: Từ 50.000.000 đồng hoặc 100.000.000 đồng thì phải chịu chi phí tương ứng với số tiền yêu cầu khởi kiện, nhưng thấp hơn mức quy định của án phí,  tạm ứng án phí) khi giải quyết theo thủ tục Hòa giải tại Tòa án. Nếu làm được như vậy, hàng năm chúng ta sẽ thu được nguồn kinh phí lớn bổ sung thêm vào Ngân sách nhà nước đảm bảo cho hoạt động của Hòa giải viên khi thực hành công vụ.

Trên đây là ý kiến trao đổi của tác giả về thực tiễn liên quan đến chi phí Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Rất mong các đồng nghiệp và bạn đọc đóng góp ý kiến.

TAND huyện M’Đrắk

                                                                             Phạm Công Đức