Bàn về nghĩa vụ chịu chi phí giám định trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện

Cập nhật lúc: 09:47 02/06/2021

Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự khi có đương sự yêu cầu giám định Toà án sẽ xác định đương sự nào phải chịu tiền chi phí giám định theo quy định tại Điều 161 của Bộ luật tố tụng dân sự, nếu các bên đương sự không có thoả thuận nào khác hoặc pháp luật không có quy định khác.

Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ bàn đến vấn đề ai phải chịu tiền chi phí giám định khi nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự. Ví dụ tình huống vụ án: Trần Văn A khởi kiện Nguyễn Văn B phải trả số nợ 100.000.000 đồng thông qua giấy vay nợ ghi ngày 10/10/2020, không yêu cầu lãi suất. Quá trình giải quyết vụ án, B khẳng định là không viết và không ký giấy vay nợ. B đề nghị Toà án tiến hành trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết đồng thời nộp tiền tạm ứng chi phí giám định là 5.000.000 đồng. Toà án đã trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của B tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đ, kết quả là đúng chữ ký, chữ viết của B viết ra, và Toà án đã chi trả tiền chi phí cho việc giám định là 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi có kết quả giám định, nguyên đơn ông A có đơn xin rút đơn khởi kiện và Toà án chấp nhận và đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự. Trả lại tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn, xác định bị đơn B phải chịu tiền chi phí giám định chữ ký, chữ viết 5.000.000 đồng (đã chi phí xong).

Như vậy, ở tình huống trên xuất hiện các quan điểm như sau:

Ý kiến thứ nhất, việc Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự và xác định bị đơn phải chịu tiền chi phí giám định là 5.000.000 đồng (đã chi phí xong) là đúng. Bởi lẽ; việc chứng minh là của các đương sự. Bị đơn B cho rằng giấy vay tiền không phải do mình ký và viết ra, đồng thời có đơn đề nghị Toà án trưng cầu giám định giấy vay tiền trên. Sau khi có kết quả giám định, khẳng định rằng chữ ký, chữ viết trong giấy vay tiền đề ngày 10/10/2020 là do B viết ra. Như vậy, bị đơn B phải chịu hậu quả của việc chứng minh yêu cầu của bị đơn B là không có căn cứ, đồng thời bị đơn B phải chịu tiền chi phí giám định là đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật tố tụng dân sự. Do vậy, Toà án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và xác định bị đơn B phải chịu tiền chi phí giám định 5.000.000 đồng là hoàn toàn đúng pháp luật.

Ý kiến thứ hai, việc Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự và xác định bị đơn phải chịu tiền chi phí giám định là 5.000.000 đồng (đã chi phí xong) là không đúng với quy định tại khoản 3 Điều 161 của Bộ luật tố tụng dân sự. Khoản 3 Điều 161 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này thì nguyên đơn phải chịu chi phí giám định”. Như vậy, ta có thể hiểu rằng, điều luật quy định bắt buộc nguyên đơn phải chịu tiền chi phí giám định nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Quan điểm của người viết đồng ý với ý kiến thứ hai, bởi vì điều luật (khoản 3 Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự) không có quy định khác nên cần phải hiểu trong trường hợp Toà án đình chỉ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự thì đương nhiên nguyên đơn phải chịu chi phí giám định.

Trên đây là ý kiến về vấn đề thực tiễn trong giải quyết vụ án dân sự liên quan đến chi phí giám định. Rất mong các đồng nghiệp và các bạn đóng góp ý kiến.

Duy Dương - Duy Đức                  

Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột