Bàn về quy định cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình

Cập nhật lúc: 08:44 07/05/2025

Tình trạng bạo lực gia đình ở nước ta trong những năm qua diễn biến hết sức phức tạp. Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2023 xảy ra hơn 3240 vụ bạo lực gia đình được ghi nhận* (con số này trên thực tế có thể còn cao hơn). Về biện pháp xử lý ghi nhận 58 trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Trong phạm vi bài viết, người viết đưa ra một số quan điểm, ý kiến liên quan đến quyền áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình của Tòa án và thực tiễn áp dụng quy định nêu trên.

1. Quy định của pháp luật về quyền áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc của Tòa án.

          Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định:

          “1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

          2. Cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.”

          Tại Điều 26 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định:

          “Điều 26. Cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án

1. Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời gian không quá 04 tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình;

b) Có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình.

2. Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc trong thời gian không quá 04 tháng khi cần bảo vệ tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

3. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi cư trú của người bị bạo lực gia đình và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

*https://vtcnews.vn/ty-le-nam-gioi-bi-bao-luc-gia-dinh-co-dau-hieu-tang-ar872657.html

4. Tòa án ra quyết định cấm tiếp xúc quy định tại khoản 1 Điều này hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc khi có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền

5. Tòa án ra quyết định cấm tiếp xúc quy định tại khoản 2 Điều này hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc khi xét thấy biện pháp này không còn cần thiết.

6. Trường hợp gia đình có việc cưới, việc tang hoặc trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình cần tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình thì người có hành vi bạo lực gia đình phải thông báo với người được phân công giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc và cam kết không để xảy ra hành vi bạo lực gia đình.

7. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

                2. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.

          Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình theo quyết định của Tòa án thực tế không phải là quy định mới mà Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 mới quy định mà đã được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Cụ thể, tại khoản 14 Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định đây là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khi áp dụng biện pháp này, về trình tự, thủ tục được thực hiện theo Điều 133 Bộ luật tố tụng dân sự. Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định cụ thể hơn về vấn đề này.

          3. Thực tiễn áp dụng quy định cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.

          Trong thực tiễn, việc đương sự cho rằng khi giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình mà người chồng (hoặc người vợ) có hành vi đe dọa tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm không phải ít. Tuy nhiên dù có quy định nhưng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình” rất hạn chế. Theo tác giả, có một số nguyên nhân chính dẫn đế việc ít áp dụng trên thực tế quy định này, cụ thể:

          + Do nhận thức của một bộ phận người dân và một số cán bộ cơ sở chưa nắm bắt được quy định để hướng dẫn hoặc người dân nếu biết được thì không dám yêu cầu do sợ bị kỳ thì, bị trả thù.

          + Xuất phát từ tâm lý không muốn chuyện trong gia đình bị “chuyện bé xe ra to”. Vì vậy nhiều người lựa chọn việc tự chịu đựng trong quá trình giải quyết mà không yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp.

          + Thủ tục áp dụng, cơ chế thực hiện, giám sát còn gặp nhiều khó khăn.

          Đối chiếu với các quy định hiện hành, Tòa án chỉ là cơ quan đóng vai trò là cơ quan ban hành quyết định. Còn việc giám sát quyết định lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Cụ thể là Công an xã, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố và tổ chức liên quan để thực hiện (Khoản 1 Điều 27 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Như đã đề cập ở trên, xuất phát từ tâm lý của người Á Đông thì đây lại là một vấn đề hết sức tế nhị mà cả người yêu cầu lẫn người thực hiện cảm thấy khó khăn khi thực hiện.

          + Thiếu hệ thống hỗ trợ về cơ sở vật chất và hỗ trợ về pháp lý.

          Nạn nhân của bạo lực gia đình nhiều trường hợp sau khi trình báo thì lâm vào hoàn cảnh không biết đi đâu, về đâu mà vẫn phải ở trong chính ngôi nhà của mình dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình không được cải thiện, thậm chí còn trầm trọng hơn.

          4. Một số ý kiến góp ý hoàn thiện quy định về Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.

          Theo người viết, để có thể đưa quy định về Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình cần thực hiện một số biện pháp sau:

          + Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thêm các quy định liên quan đến quyền áp dụng biện pháp Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình theo hướng quy định rõ các trường hợp áp dụng, biễu mẫu đơn, biểu mẫu tố tụng khi áp dụng.

          + Xem xét bổ sung cơ chế giám sát cũng như tăng cường chế tài xử lý. Ví dụ xử lý hành chính, hình sự khi không chấp hành quyết định.

          + Mở rộng thẩm quyền đối với chính quyền cơ sở như Công an xã, Hội phụ nữ xã, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc đứng ra yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.

          + Tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt tận dụng các ứng dụng mạng xã hội trực tuyến để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

          + Nâng cao đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

          + Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong giám sát lệnh cấm tiếp xúc như việc đeo thiết bị giám sát ở một số quốc gia hay tận dụng hệ thống camera an ninh tại địa phương.

          Biện pháp cấm tiếp xúc là một cơ chế quan trọng để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, đặc biệt trong bối cảnh giải quyết tranh chấp hôn nhân. Tuy nhiên, để quy định này phát huy hiệu quả, cần có sự hoàn thiện về pháp luật, cơ chế thực hiện và thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức xã hội.

Việt Tiệp – TAND huyện Ea H’Leo