Bàn về thẩm quyền, trình tự giải quyết tranh chấp dân sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)
Cập nhật lúc: 17:05 29/12/2017
Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25/11/2015 và Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 ngày 25/11/2015 có hiệu lực, đã có nhiều điểm mới về thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức.
Theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức:
“1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.
2. Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.
3. Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.
4. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.”
Có thể hiểu theo quy định nêu trên thì khi giải quyết các vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó và chỉ những văn bản là quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết mới bị Tòa án xem xét hủy (những văn bản không phải là quyết định hành chính cá biệt thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều này).
Theo giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cáo hướng dẫn:
“Khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó.
Trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự mà việc hủy quyết định đó không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết và xem xét hủy quyết định đó.
Trường hợp việc xem xét hủy quyết định đó dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó.
Trường hợp khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt nhưng không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt đó và việc không hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết.”
Thực tiễn, hiện nay có tình trạng khi đương sự nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự kèm theo yêu cầu hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thì Tòa án cấp huyện hướng dẫn đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án cấp tỉnh. Một số trường hợp đang giải quyết vụ án dân sự khi đương sự có đơn yêu cầu hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thì Tòa án cấp huyện chưa xem xét tính hợp pháp của các quyết định các biệt bị yêu cầu hủy đó đã chuyển thẩm quyền giải quyết vụ việc cho Tòa án cấp tỉnh. Việc này đã làm cho số lượng vụ việc giải quyết theo trình tự sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh tăng lên, mặt khác còn gây khó khăn cho các đương sự trong vụ án, nhiều trường hợp Tòa án cấp tỉnh chuyển trả hồ sơ do không xác định đúng thẩm quyền làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây bức xúc cho người dân.
Qua đây một vấn đề cần được trao đổi đó là: Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh sẽ thụ lý vụ án dân sự khi đương sự có kèm theo yêu cầu hủy quyết định cá biệt và thời điểm Tòa án cấp huyện chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.
Một số ý kiến cho rằng khi Tòa án nhân dân cấp huyện đang giải quyết vụ án dân sự khi đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt thì cần đưa UBND cấp huyện vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan; thông báo cho UBND cấp huyện để cơ quan này trình bày ý kiến của mình theo quy định tại Điều 199 BLTTDS và yêu cầu cơ quan, người ban hành quyết định trình bày ý kiến để xem xét tính hợp pháp của quyết định đó.
Trong quá trình giải quyết tại Tòa án cấp huyện khi có căn cứ xác định quyết định cá biệt trái pháp luật và cần phải hủy mới đảm bảo quyền lợi, ích hợp pháp cho các đương sự thì Tòa án đang thụ lý giải quyết phải chuyển cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa quy định rõ thời điểm và thẩm quyền chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền, chưa quy định rõ tại phiên tòa Hội đồng xét xử cho rằng quyết định cá biệt trái pháp luật và cần phải hủy thì Hội đồng xét xử có thẩm quyền chuyển vụ án cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh hay không.
Trên đây là một số ý kiến về việc giải quyết các vụ án dân sự có yêu cầu hủy quyết định các biệt.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?