Cần có hướng dẫn liên quan đến hồ sơ thi hành án Hình sự
Cập nhật lúc: 07:41 22/07/2025
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong công tác tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc xác định thành phần hồ sơ khi thực hiện ủy thác thi hành án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Chẳng hạn, trong một vụ việc cụ thể, Tòa án khu vực A đã tiến hành ủy thác thi hành án hình sự cho Tòa án khu vực B. Tuy nhiên, Tòa án khu vực B lại trả lại hồ sơ ủy thác với lý do không có Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can... Đây là một ví dụ điển hình cho thấy sự thiếu thống nhất trong việc hiểu và áp dụng quy định liên quan đến hồ sơ ủy thác thi hành án hình sự.
Hiện nay, Theo tinh thần của Công văn số 274/TANDTC-HS ngày 30/12/2013 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành pháp luật về ủy thác thi hành án hình sự (Luật thi hành án hình sự năm 2010) là văn bản duy nhất có đề cập đến các tài liệu cần gửi kèm theo khi ủy thác. Theo công văn này, hồ sơ ủy thác bao gồm bản án có hiệu lực pháp luật, quyết định thi hành án, quyết định ủy thác thi hành án, bản sao lý lịch cá nhân của người bị kết án, các quyết định tạm hoãn hoặc cho phép thi hành án tại nơi cư trú, biên bản xác minh nơi cư trú hoặc bỏ trốn, cùng các tài liệu liên quan khác. Tuy nhiên, thuật ngữ “các tài liệu liên quan khác” lại chưa được làm rõ, dẫn đến mỗi nơi hiểu một cách khác nhau.
Trên cơ sở đó, theo quan điểm của người viết, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thành phần hồ sơ ủy thác thi hành án hình sự. Theo đó, có thể hướng dẫn các tài liệu tối thiểu cần có trong hồ sơ thi hành án hình sự bao gồm: bản án có hiệu lực pháp luật, lý lịch bị can/bị cáo, danh chỉ bản, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn (nếu còn hiệu lực), nếu hồ sơ ủy thác đã đủ các tài liệu này thì không được trả lại hồ sơ ủy thác. Đồng thời, cần định nghĩa rõ thế nào là “tài liệu liên quan đến việc thi hành án” và cách thức bổ sung tài liệu nhằm đảm bảo sự thống nhất trong toàn hệ thống và hạn chế tình trạng trả đi trả lại hồ sơ gây chậm trễ trong việc tổ chức thi hành án.
Việc hoàn thiện hướng dẫn không chỉ giúp thống nhất nhận thức, thực tiễn áp dụng giữa các Tòa án địa phương mà còn góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thi hành án hình sự trong giai đoạn hiện nay.
Các tin khác
- Trao đổi về bài viết “Áp dụng tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” khi người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội như thế nào cho đúng?”
- Tòa án có ban hành quyết định đình chỉ thi hành án phạt tù đối với Nguyễn Văn A không?
- Một số điểm mới tại Thông tư liên tịch số 01/2023/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 18/01/2023 về thi hành án hình sự tại cộng đồng.
- Áp dụng tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” khi người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội như thế nào cho đúng?
- Bàn về quy định cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình