Công tác dân vận trong hòa giải các vụ án dân sự từ thực tiễn của Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn
Cập nhật lúc: 15:03 04/06/2019
Đối với hoạt động xét xử của Tòa án, công tác dân vận có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục, thuyết phục và phổ biến tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Lời dạy của Bác đối với Tòa án: “Xét xử đúng là tốt nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn...” và người cán bộ Tòa án cần phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân” vẫn luôn là sự chỉ đạo, dẫn đường cho công cuộc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống Tòa án thân thiện, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp.
I.TÍNH CẤP THIẾT CỦA GIẢI PHÁP
Đối với hoạt động xét xử của Tòa án, công tác dân vận có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục, thuyết phục và phổ biến tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Lời dạy của Bác đối với Tòa án: “Xét xử đúng là tốt nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn...” và người cán bộ Tòa án cần phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân” vẫn luôn là sự chỉ đạo, dẫn đường cho công cuộc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống Tòa án thân thiện, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp.
Ngày 03/10/2017 Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ban hành chỉ thị số 04/CT-CA về tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân. Chỉ thị nêu rõ:
“Hòa giải trong tố tụng dân sự ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án, là phương thức hiệu quả để đảm bảo quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Hòa giải thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thi hành….”
Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng hòa giải các vụ án dân sự theo các yêu cầu nói trên thì công tác dân vận của Tòa án có vai trò đặc biệt quan trọng. quyết định thành bại công tác hòa giải của Tòa án, Thực tế cho thấy nếu Tòa án làm tốt công tác dân vận thỉ tỷ lệ hòa giải thành các vụ án dân sự, chất lượng giải quyết án sẽ được nâng cao, còn trong trường hợp Tòa án không làm tốt công tác dân vận thì kết quả sẽ ngược lại. Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác , trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn chọn giải pháp “ Công tác dân vận trong việc hòa giải các vụ án dân sự” là giải pháp mang tính đột phá để thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 04/CT-CA ngày 03/10/2017 Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân.
II.CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG VIỆC HÒA GIẢI CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BUÔN ĐÔN.
1. Đặc điểm tình hình:
Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện biên giới, thuộc huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có 07 xã với 99 thôn buôn, trong đó có 26 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; dân số của huyện khoảng 67.199 người, gồm 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47,8% dân số, có 04 tôn giáo gồm Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài.
Theo biên chế được Tòa án nhân dân tối cao giao, hiện tại Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn có 10 công chức gồm 05 Thẩm phán (trong đó 01 Thẩm phán là Chánh án và 01 Thẩm phán là Phó Chánh án); 03 Thư ký tòa án, 02 nhân viên( Kế toán, văn thư).Trong 6 tháng đầu năm 2019 có 01 Thẩm phán vì lí do sức khỏe không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giải quyết xét xử án và 04 Thẩm phán còn lại đều tham gia học lớp Trung cấp lí luận Chính trị -hành chính tại trường chính trị tỉnh Đăk Lăk hệ không tập trung vừa học vừa giải quyết án.
Năm 2018, Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn thụ lý giải quyết 453/454 vụ án các loại, trong đó cơ 62 vụ án hình sự và 391 vụ án dân sự. Số vụ án dân sự hòa giải thành là 343 vụ/371 vụ (đạt tỷ lệ hòa giải thành 90,7%).
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn thụ lý giải quyết 182/187 vụ việc các loại ( đạt tỷ lệ 97%), trong đó có 17 vụ án hình sự và 170 vụ việc dân sự các loại. Số vụ án dân sự, hôn nhân gia đình hòa giải thành là 145vụ/153 vụ (đạt tỷ lệ hòa giải thành 94,7 %)
2. Kết quả đạt được khi gắn liền công tác Dân vận với công tác hòa giải các vụ án dân sự:
Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn đã vận dụng sáng tạo phương thức “Dân vận” trong quá trình thực hiện công tác hòa giải đối với những vụ án dân sự, Hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại… để nâng cao chất lượng hòa giải, nhằm giảm số lượng vụ án phải đưa ra xét xử, hạn chế tối đa những mâu thuẫn, căng thẳng giữa các chủ thể tranh chấp. Với vai trò là người trung gian, người điều đình, người làm trọng tài, Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn luôn biết chủ động, kiên nhẫn trong vai trò trung gian, phải thực sự là người trực tiếp giải thích cho đương sự, cho người dân những quy định của Nhà nước, của pháp luật và hướng dẫn họ làm theo trên tinh thần thật sự dân chủ để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất.
Khi giải quyết các vụ án dân sự, việc có hòa giải thành được hay không phụ thuộc phần lớn vào công tác “ Dân vận” của Thẩm phán, Thư ký…, phải luôn xác định các phương án hòa giải, thực hiện phương thức “Dân vận khéo” thể hiện từ việc bố trí phòng hòa giải, sắp xếp chỗ ngồi các bên đương sự, các nội dung cần trao đổi các nội dung yêu cầu các đương sự trình bày. Tránh tình trạng để người dân có ý kiến cho rằng Thẩm phán, Thư ký không công tâm, không khách quan, thiếu dân chủ khi hòa giải vụ án. Thẩm phán cũng phải biết chọn thời điểm tiến hành hòa giải theo từng loại vụ án và cần có sự tính toán kỹ lưỡng các phương án nhằm đảm bảo sự thành công của phiên hòa giải.
Thẩm phán, Thư ký là người tiến hành tố tụng trong vụ án đều phải chủ động tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, và cả những bức xúc của các đương sự để có phương thức giải quyết vụ án. Đồng thời phải biết cách chia sẻ, động viên và cảm thông đối với những bức xúc của đương sự, tạo điều kiện để đương sự phát huy quyền làm chủ của mình để từ đó, đương sự và công dân khi đến Tòa sẽ có được niềm tin vào Tòa án, nơi mang lại công lý, công bằng cho xã hội.
Thực tiễn công tác giải quyết các loại án nói chung và án dân sự nói riêng tại Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn từ năm 2016 đến năm 2018 theo xu hướng ngày càng tăng về số lượng, năm 2017 tăng 75 vụ án dân sự so với năm 2016( tăng 153%); năm 2018 tăng 185 vụ án so với năm 2017(tăng 186%), 6 tháng đầu năm 2019 tương đương với cùng ký năm 2018. Tính chất phức tạp của các vụ án dân sự ngày càng tăng, các vụ án tranh chấp về tài sản thừa kế, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày càng tăng. Trong điều kiện biên chế Thẩm phán, Thư ký cũng như cơ sở vật chất không tăng.
Từ thực tế này, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn nói chung và nhiệm vụ giải quyết các vụ án dân sự nói riêng ngày càng nặng nề. Tuy nhiên với các giải pháp đồng bộ trong đó có giải pháp làm tốt công tác dân vận trong công tác hòa giải các vụ án dân sự nên hiệu quả công tác củaTòa án nhân dân huyện Buôn Đôn ngày càng được nâng cao thể hiện rõ rệt kết quả hòa giải thành các vụ án dân sự ngày càng tăng( năm 2016 đạt tỷ lệ hòa giải thành 50%; năm 2017 đạt tỷ lệ hòa giải thành 62%, năm 2018 đạt tỷ lệ hòa giải thành 90,7% và 6 tháng đầu năm 2019 đạt tỷ lệ hòa giải thành 94,7%).
Để đạt được kết quả hòa giải các vụ án dân sự nói trên có nhiều nguyên nhân như sau: Một là Chi bộ Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn đã phối hợp chặt chẽ với Lãnh đạo cơ quan tăng cường hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn thể cán bộ, công chức cơ quan nhất là đối với đội ngũ Thẩm phán, Thư ký tòa án đảm bảo yêu cầu đội ngũ này vừa hồng vừa chuyên như Bác Hồ đã dạy.
Hai là Lãnh đạo Tòa án cũng như đội ngũ Thẩm phán có nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác dân vận của Tòa án nói chung và công tác dân vận trong việc hòa giải các vụ án dân sự nói riêng để từ đó luôn sáng tạo trong công tác dân vận liên quan đến việc giải quyết các vụ án cụ thể để nâng cao hiệu quả hòa giải đối với từng vụ án dân sự.
Ba là Lãnh đạo cơ quan luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện sáng tạo công tác dân vận trong việc hòa giải các vụ án dân sự, từ đó hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký noi theo, tạo thành phong trào thi đua, đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có thể nói công tác dân vận của Tòa án nói chung và kỹ năng “Dân vận khéo” của đội ngũ Thẩm phán, Thư ký tòa án là chìa khóa mở ra khả năng hòa giải thành các vụ án dân sự giúp Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải quyết xét xử các vụ án nói chung và hòa giải thành các vụ án dân sự nói riêng; thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 04/2017/CT-TA ngày 03/10/2017 của chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân.
Trên đây là một số kết quả đạt được trong việc thực hiện giải pháp “dân vận trong công tác hòa giải các vụ án dân sự” của Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019. Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân huyện buôn Đôn sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu ngày càng nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án nói chung và nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ án dân sự nói riêng.
Nguyễn Sỹ Thành
Chánh án Toà án nhân dân huyện Buôn Đôn
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?