Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự về những hành vi phạm tội liên quan đến tội hành nghề mê tín, dị đoan và các tội phạm khác có liên quan đến mê tín, dị đoan

Cập nhật lúc: 14:40 05/09/2017

Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự về những hành vi phạm tội liên quan đến tội hành nghề mê tín, dị đoan và các tội phạm khác có liên quan đến mê tín, dị đoan

Theo Điều 247. Tội hành nghề mê tín, dị đoan (Bộ luật hình sự năm 1999) quy định:

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Theo Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan (Bộ luật hình sự năm 2015) quy định:

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Để đấu tranh có hiệu quả đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan, trước tiên cần hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự theo hướng:

Thứ nhất, cả hai Điều luật nêu trên quy định quá vắn tắt về hành vi (chỉ nêu cụ thể 02 hành vi là: “bói toán”, “đồng bóng”)  nên khó áp dụng trong thực tiễn, mà cần thiết phải bổ sung, sửa đổi Điều luật này theo các hướng sau đây:

- Mô tả rõ ràng, đầy đủ nhiều hành vi hành nghề mê tín, dị đoan chứ không thể ngắn gọn như điều luật hiện hành, vì hành vi hành nghề mê tín, dị đoan rất đa dạng, phong phú. Chỉ khi quy định cụ thể hành nghề mê tín, dị đoan mới có thể dễ dàng cho các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử vận dụng trong thực tiễn. Ví dụ các hành vi hành nghề việc xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng v.v...

- Điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ quy định phải gây hậu quả nghiêm trọng là tình tiết định tội mới truy cứu trách nhiệm hình sự là phù hợp.

- Khoản 2 của điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

Điểm a làm chết người, như vậy nếu gây ra thương tích quá nặng  hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quá nặng thì sẽ xử lý ra sao.

Điểm b thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; quy định như vậy là quá chung chung, không phân hóa được tội phạm để trừng trị tương xứng.

Điểm c gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề để xác định được thế nào là “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” thực sự là rất khó khăn, khó thống nhất trong việc nhận thức để áp dụng.

Do đó, khoản 2 của Điều luật nên quy định tình tiết định khung tăng nặng là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng để dễ vận dụng.

- Cần bổ sung khoản 3 của Điều luật khi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, rồi mới đến khoản 4 là hình phạt bổ sung.

- Về mức hình phạt tiền là hình phạt chính tại khung cơ bản, cũng như mức phạt tiền ở hình phạt bổ sung của Điều 320 Bộ luật hình sự 2015 là thỏa đáng, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Do vậy, “Tội hành nghề mê tín, dị đoan” sửa đổi nên được cấu trúc như sau:

Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan

1. Người nào đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn,  xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức mê tín, dị đoan khác thì bị  phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc làm chết người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm;

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

Thứ hai, cần bổ sung một tội danh mới liên quan đến hành vi truyền bá mê tín, dị đoan trong xã hội. Qua nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mê tín, dị đoan phát triển như hiện nay vì đã có những hành vi tuyền bá, tuyên truyền để mọi người theo, tin vào những điều không có thật. Do vậy, để đấu tranh với tệ nạn mê tín, dị đoan cần thiết bổ sung một tội danh có tên là “Tội truyền bá mê tín, dị đoan” có nội dung tương tự như tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Cụ thể:

Điều 247a. Tội truyền bá mê tín, dị đoan

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất mê tín, dị đoan, cũng như có hành vi khác truyền bá mê tín, dị đoan thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt  tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

b) Phổ biến cho nhiều người;

c) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

c) Đối với người chưa thành niên;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

Thứ ba, do mê tín, dị đoan ngày càng đang phổ biến trong xã hội và nhiều hành vi phạm tội có ảnh hưởng đến mê tín, dị đoan đang gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Chúng tôi cho rằng nên cần bổ sung vào các tội danh khác trong Bộ luật hình sự tình tiết do mê tín, dị đoan  hoặc vì mê tín, dị đoan trong các tội có tên dưới đây để góp phần đấu tranh với tệ nạn mê tín, dị đoan trong xã hội:

 Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

r. Vì mê tín, dị đoan

Điều 94. Tội giết con mới đẻ

Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, do mê tín, dị đoan hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

l.Vì mê tín, dị đoan

Điều 111. Tội hiếp dâm

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

k. Do mê tín, dị đoan

Điều 112. Tội hiếp dâm trẻ em

1. Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

e. Do mê tín, dị đoan

Điều 113. Tội cưỡng dâm

1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

h. Do mê tín, dị đoan

Điều 114. Tội cưỡng dâm trẻ em

1. Người nào cưỡng dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

đ. Do mê tín, dị đoan

Điều 115. Tội giao cấu với trẻ em

1. Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

e. Do mê tín, dị đoan

Điều 146. Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, mê tín , dị đoan, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

h. lợi dụng mê tín, dị đoan

Trên đây là một số đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện pháp luật hình sự về những hành vi phạm tội liên quan đến tội hành nghề mê tín, dị đoan và các tội phạm khác có liên quan đến mê tín, dị đoan, nhằm trừng trị và răn đe có hiệu quả đối với hành vi hành nghề mê tín dị đoan đã và đang xảy ra ngày một nhiều với hậu quả quá lớn về nhiều mặt trong đời sống xã hội hiện nay.

TÒA HÌNH SỰ