Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết án trong diễn biến dịch bệnh Covid-19

Cập nhật lúc: 08:40 13/09/2021

Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… diễn ra hết sức phức tạp. Việc các địa phương đón người từ vùng dịch về, chưa kể việc người dân tự phát trở về nếu không được quản lý chặt chẽ cũng sẽ tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Chúng ta cần xác định tư tưởng chống dịch là việc dài hạn chứ không phải ngày một ngày hai.

Phiên tòa xét xử trong mùa dịch

Tại tỉnh Đăk Lăk cũng như nhiều địa phương khác đã có nhiều địa bàn phải giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Các Tòa án trên địa bàn áp dụng Chỉ thị 16 hiện đang bố trí không quá 1/3 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong thời gian giãn cách. Đối với các Tòa án khác cũng hạn chế việc triệu tập đương sự nếu không cần thiết và thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, yêu cầu người dân đo nhiệt độ, khử khuẩn, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách…khi làm việc tại trụ sở Tòa án

Việc đảm bảo công tác phòng chống dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết, xét xử của Tòa án nhân dân các cấp trong khi số lượng vụ án, áp lực công việc ngày càng tăng cao. Đặc biệt là cận kề thời gian tổng kết năm công tác – ngày 30/9. Từ quan điểm cá nhân, tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết án trong trạng thái phòng chống dịch bệnh Covid-19 như sau:

1. Nâng cao, phát huy tinh thần chủ động, tích cực trong công tác.

- Làm việc ở nhà không có nghĩa là ngừng tác nghiệp. Tận dụng thời gian không triệu tập đương sự để nghiên cứu nội dung các vụ án, lên kế hoạch thu thập chứng cứ để đảm bảo đưa ra giải quyết, xét xử các vụ án ngay sau khi thực hiện xong việc giãn cách xã hội.

- Trong thời gian làm việc ở nhà, chúng ta cần giữ kỷ luật bản thân, phân bổ thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Mỗi ngày làm việc tại nhà, chúng ta cần lên lịch trình các việc cần làm trong ngày với mục tiêu rõ ràng và đảm bảo tập trung thực hiện công việc một cách hiệu quả, tránh bỏ sót nhiệm vụ.

- Môi trường làm việc ở nhà khác với tại cơ quan khi có rất nhiều phiền nhiễu gây mất tập trung. Chúng ta cần tạo không gian làm việc phù hợp, yên tĩnh và nói trước với người thân trong gia đình để tập trung tốt hơn và hạn chế tối đa các yếu tố gây mất tập trung trong thời gian làm việc. Ngoài ra, có thể sắp xếp giải quyết việc nhà trong thời gian nghỉ giải lao.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc từ xa tại nhà nhưng vẫn có thể kết nối được với các thiết bị tại cơ quan.

- Để đồng bộ dữ liệu cá nhân giữa máy vi tính làm việc tại cơ quan với máy vi tính làm việc tại nhà, chúng ta có thể đăng ký và sử dụng một số dịch vụ điện toán đám mây để đồng bộ và sử dụng dữ liệu một cách an toàn, bảo mật như:  Dropbox, Google Drive,  MEGA, Onedrive…(tham khảo cách đăng ký và sử dụng các dịch vụ trên google).

- Chia sẻ máy in dùng chung tại phòng trực cơ quan (để đảm bảo người làm việc ở nhà có thể kết nối và bấm lệnh in, phát hành văn bản và trình ký trực tuyến mà không phải đến cơ quan) hoặc tăng cường việc gửi, nhận, trao đổi dữ liệu giữa thẩm phán, thư ký qua email.

- Sử dụng một số phần mềm điều khiển máy tính từ xa như Teamviewer, Ultraviewer để truy cập từ xa máy vi tính tại cơ quan trong một số trường hợp cần thiết mà không phải trực tiếp đến cơ quan trong ngày không có lịch trực.

3. Làm việc từ xa với các đương sự:

Trong tình hình dịch bệnh, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với các đương sự khi không cần thiết. Do đó để đảm bảo tiến độ thu thập chứng cứ, chúng ta có thể có văn bản nêu các nội dung cần trình bày hoặc các tài liệu chứng cứ cần cung cấp gửi cho các đương sự để các đương sự thực hiện và gửi lại cho Tòa án thông qua bưu điện . Tuy giải pháp trên chỉ có thể áp dụng được với một số vụ án mà đương sự hợp tác làm việc, nhưng cũng có thể góp một phần hữu ích trong quá trình thu thập chứng cứ và chuẩn bị xét xử.

4. Kiến nghị đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong hoạt động tố tụng của Tòa án và sớm triển khai việc xét xử trực tuyến.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra như vũ bão trên toàn cầu, việc thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động tố tụng và xét xử trực tuyến của Tòa án là xu thế tất yếu của thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn xã hội có nhiều biến động, bất ổn vì đại dịch Covid-19. Thực tế, bản chất của việc xét xử trực tuyến vẫn là xét xử trực tiếp với sự tham gia của các đương sự nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Như vậy, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho cơ quan xét xử và cho người tham gia tố tụng thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên để triển khai thực hiện cần kết hợp rất nhiều yếu tố như công nghệ, trang thiết bị, khả năng tiếp cận của cán bộ, công chức tòa án và người dân… Do đó, kiến nghị Đảng, nhà nước cần có sự quan tâm đến việc đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động tố tụng của Tòa án.

Vũ Văn Hoàng