Khó khăn khi áp dụng lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán khi giải quyết các vụ án Kinh doanh thương mại.
Cập nhật lúc: 14:45 06/07/2023
Khó khăn khi áp dụng lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán khi giải quyết các vụ án Kinh doanh thương mại.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các loại án kinh doanh thương mại. Luật Thương mại năm 2005 ra đời đến nay đã 18 năm mà chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc áp dụng Điều 306 Luật thương mại điều chỉnh về vấn đề lãi suất đối với bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng. Điều này dẫn đến việc xác định mức lãi suất quá hạn trên thực tế gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi pháp luật cần phải quy định mức lãi suất quá hạn một cách rõ ràng, cụ thể để thuận tiện cho việc áp dụng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên khi tham gia quan hệ hợp đồng trong quan hệ Kinh doanh thương mại.
1. Quy định của pháp luật về lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường:
Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Điều 306 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Như vậy, bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán, tương ứng với thời gian chậm trả. Tuy nhiên, Luật thương mại 2005 chưa quy định rõ ràng, cụ thể về cách xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường.
Án lệ số 06/2016/AL về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấo về Hợp đồng mua bán hàng hóa, Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm: “Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Theo đó, mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường:
- Là mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 Ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam…) và các Ngân hàng thương mại này trên phải có trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở;
- Là mức lãi suất nợ quá hạn được tính tại thời điểm xét xử sơ thẩm (Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác).
2. Thực tiễn giải quyết các loại án có yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả
Việc quy định lãi suất nợ quá hạn theo mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường nêu trên sẽ giúp đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho bên bị vi phạm trong quan hệ hợp đồng (vì lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường thường cao hơn mức lãi suất nợ quá hạn cơ bản do Ngân hàng nhà nước ban hành). Tuy nhiên qua thực tiễn thì việc áp dụng mức lãi suất này vẫn còn nhiều khó khăn:
Thứ nhất, quy định về lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường hiện nay còn chưa cụ thể. Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP chỉ quy định áp dụng mức lãi suất quá hạn tối thiểu của 03 Ngân hàng thương mại mà không giới hạn tối đa bao nhiêu Ngân hàng. Đồng thời cũng chỉ có 03 Ngân hàng là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam được liệt kê tại Điều khoản này. Như vậy, việc quy định như trên rất dễ dẫn đến tình trạng áp dụng cứng nhắc trong thực tiễn xét xử, đó là dẫn đến việc Hội đồng xét xử căn cứ luôn vào mức lãi suất 03 Ngân hàng thương mại này để tính mức lãi suất quá hạn mà rất ít khi xét thêm mức lãi nợ quá hạn của nhiều Ngân hàng thương mại khác, dẫn đến việc chưa đảm bảo quyền và lợi ích của các đương sự trong vụ án.
Thứ hai, việc xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường hiện này khá khó khăn, tốn kém thời gian bởi một số nguyên nhân sau:
+ Mức lãi suất nợ quá hạn của các Ngân hàng thương mại thường không cố định và còn phụ thuộc vào đối tượng, mục đích, thời hạn vay.
Theo thực tế hiện nay thì mức lãi suất quá hạn tại các Ngân hàng nói chung và Ngân hàng thương mại nói riêng thường quy định bằng 150% mức lãi suất trong hạn. Tuy nhiên, mức lãi suất trong hạn tại Ngân hàng (đặc biệt là Ngân hàng thương mại) được áp dụng khác nhau phụ thuộc vào từng đối tượng, mục đích, thời hạn vay và luôn có sự biến động, điều chỉnh theo biên độ 3 tháng/lần, 6 tháng/lần hoặc 12 tháng/lần. Do đó, để có căn cứ xác định mức lãi suất bảo đảm đúng quy định pháp luật, Tòa án cũng như các đương sự có thể phải gửi rất nhiều văn bản, công văn đến các Ngân hàng thương mại để đề nghị cung cấp thông tin về mức lãi suất trong hạn, quá hạn tại thời điểm xét xử. Điều này khiến việc giải quyết vụ án Kinh doanh thương mại trở nên phức tạp và tốn kém thời gian hơn.
Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án đã có văn bản đề nghị các Ngân hàng nói trên cung cấp thông tin về mức lãi quá hạn. Tuy nhiên, căn cứ vào văn bản trả lời của Ngân hàng dẫn đến việc xét xử gặp khó khăn.
Cụ thể: Tại Công văn số 580/CV-ĐLA, ngày 02/6/2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi Nhánh Đắk Lắk gửi Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột xác định: “Mức lãi sautá áo dụng đối với dư nợ gốc quá hạn theo quy định của Vietcombank là 150% lãi suất cho vay trong hạn”. Tuy nhiên, phía Ngân hàng không cung cấp lãi suất trong hạn là bao nhiêu phần trăm. Dẫn đến khó khăn trong việc xét xử
3. Đề xuất hoàn thiện quy định về mức lãi suất quá hạn
Sửa đổi quy định về mức lãi suất quá hạn tại Điều 306 Luật thương mại năm 2005:
Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
Trường hợp các bên không thỏa thuận rõ mức lãi suất thì mức lãi suất được xác định là 10%/năm đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả của bên vi phạm hợp đồng.
Nguyễn Thị Loan - Đỗ Thị Hồng Hà
TAND.TP BUÔN MA THUỘT
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?