Kiến nghị hoàn thiện Bộ luật hình sự 2015 về tội phạm chưa hoàn thành

Cập nhật lúc: 14:15 02/03/2017

Hiện nay, Bộ luật hình sự 2015 chưa có điều luật cụ thể nào quy định về khái niệm tội phạm chưa hoàn thành, nhưng đã có những quy định cụ thể về các giai đoạn phạm tội trong tội phạm chưa hoàn thành là chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt.

Qua tham khảo Bộ luật hình sự của Liên Bang Nga thì Điều 29, Chương 6 quy định: “1. Tội phạm chưa hoàn thành là chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt...”. Mặt khác, khái niệm tội phạm chưa hoàn thành cũng được GS.TSKH. Lê Văn Cảm đưa ra quan điểm như sau: Tội phạm chưa hoàn thành là hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt [1, tr.440-441].

Như vậy, sự phân biệt giữa tội phạm chưa hoàn thành với tội phạm đã hoàn thành là phù hợp với những quy định của Bộ luật hình sự 2015 về các giai đoạn thực hiện tội phạm, điều này tạo cơ sở cho việc xác định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm ở những giai đoạn phạm tội khác nhau, với tính chất mà mức độ nguy hiểm khác nhau.

Trên cơ sở thực tiễn và tham khảo quan điểm của một số tác giả về những kiến nghị để hoàn thiện Bộ luật hình sự 2015 liên quan đến tội phạm chưa hoàn thành, qua đó có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cần bổ sung một Điều luật về tội phạm chưa hoàn thành để làm nguyên tắc chung xử lý, qua đó phân biệt giữa tội phạm chưa hoàn thành và tội phạm đã hoàn thành để làm cơ sở phân chia các giai đoạn phạm tội, cũng như việc quy định trách nhiệm hình sự đối với từng giai đoạn thực hiện tội phạm, cụ thể Điều luật cần bổ sung như sau:

“Điều...: Tội phạm chưa hoàn thành

1. Tội phạm chưa hoàn thành là hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt [1, tr.440-441].

2. Người phạm tội chưa hoàn thành phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện, được quy định theo Điều luật tương ứng của Bộ luật này.”

Thứ hai, tại Điều 14 Bộ luật hình sự 2015 có 2 vấn đề cần sửa đổi, bổ sung:

Một là, đoạn 1 Điều 14 Bộ luật hình sự 2015 mới chỉ tập trung đề cập đến hành vi của người chuẩn bị (bao gồm: tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật hình sự 2015) nhưng chưa đề cập đến hành vi của người này trong mối liên hệ với những người đồng phạm khác như hành vi tìm kiếm, liên kết những người đồng phạm. Do đó, cần bổ sung thêm vấn đề này cho phù hợp với thực tiễn xét xử.

Hai là, Điều 14 Bộ luật hình sự cũng chưa nói rõ nguyên nhân của việc dừng lại trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, vì chuẩn bị phạm tội là giai đoạn đầu của quá trình thực hiện tội phạm, do đó, cần bổ sung nguyên nhân của việc bị dừng lại này là do các nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội cũng tương tự như Điều 15 về “Phạm tội chưa đạt” trong Bộ luật hình sự 2015 và tham khảo như kinh nghiệm lập pháp trong Điều 30 Bộ luật hình sự Liên bang Nga [3].

Cụ thể cần sửa đổi, bổ sung Điều luật như sau (phần in nghiêng là phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung):

“Điều 14. Chuẩn bị phạm tội

Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện, tìm kiếm, liên kết những người đồng phạm hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này, nhưng không thực hiện được tiếp hành vi của mình vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người chuẩn bị phạm tội.”.

Thứ ba, cần bổ sung và giải thích khái quát vào Điều 15 Bộ luật hình sự hai trường hợp “phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành” và “phạm tội chưa đạt đã hoàn thành” để có cơ sở pháp lý truy cứu trách nhiệm hình sự chính xác và bảo đảm công bằng đối với người phạm tội trong từng trường hợp. Hơn nữa, trong Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự cũng đã nêu về hai dạng phạm tội chưa đạt này [2].

Cụ thể cần sửa đổi, bổ sung Điều luật như sau (phần in nghiêng là phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung):

“Điều 15. Phạm tội chưa đạt

1. Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội.

2. Phạm tội chưa đạt thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn mà người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả chưa xảy ra;

b) Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp người phạm tội đã thực hiện các hành vi cần thiết để gây ra hậu quả nhưng vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn mà hậu quả chưa xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng chưa phù hợp với dấu hiệu hậu quả trong cấu thành tội phạm.

3. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành phải chịu trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn so với phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành”.

Thứ tư, tại Điều 57 Bộ luật hình sự 2015 cần sửa đổi, bổ sung:

Về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự 2015 đối với trường hợp tù có thời hạn “...nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự 2015 lại chưa quy định rõ: Không quá ba phần tư (3/4) mức phạt tù là của mức phạt tù cao nhất hay mức phạt tù thấp nhất hay chia trung bình chung... Do đó, cần sửa đổi theo hướng “mức phạt tù” được hiểu chính là “không quá ba phần tư mức phạt tù thấp nhất đến không quá ba phần tư mức phạt tù cao nhất” cho phù hợp với lý luận và thực tiễn, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc công bằng và phân hóa trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam [2].

Cụ thể cần sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 57 như sau (phần in nghiêng là phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung):

“3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù thấp nhất đến không quá ba phần tư mức phạt tù cao nhất mà điều luật quy định”.

Trên đây là những kiến nghị về tội phạm chưa hoàn thành, góp phần hoàn thiện Bộ luật hình sự 2015, đảm bảo tính khả thi cho việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm có hiệu quả hơn trong thời gian tới.                                                                            

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Cảm (Chủ biên) (2003, 2007), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  2. Trịnh Tiến Việt và Đoàn Ngọc Xuân (2003), “Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến tội phạm và trách nhiệm hình sự”, Tạp chí dân chủ pháp luật, (31/10).
  3. Trường Đại học Luật Hà Nội (2010), Bộ luật hình sự Cộng hòa liên bang Nga (sách được tài trợ bởi SIDA), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

Vũ Đức Mạnh