Một số điểm mới của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án
Cập nhật lúc: 11:21 26/01/2017
Để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, đồng bộ với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính năm 2015, Luật phí và lệ phí.
Để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, đồng bộ với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính năm 2015, Luật phí và lệ phí. Ngày 21/12/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về mức thu, miễn, giảm thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Nghị quyết có một số điểm mới nổi bật như sau:
Thứ nhất, về mức thu án phí, lệ phí:
- Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch mức thu là 300.000 đồng (quy định cũ là 200.000 đồng);
- Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch mức thu là 3 triệu đồng (tăng 1 triệu đồng);
- Đối với án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành chính phúc thẩm mức thu đều là 300.000 đồng (tăng 100.000 đồng);
- Đối với án phí dân sự phúc thẩm, tăng án phí vụ tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm tăng lên 2.000.000 đồng;
- Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam giảm từ 5.000.000 đồng xuống 1.000.000 đồng.
Thứ hai, bổ sung các phí, lệ phí sau:
- Lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài (200.000 đồng);
- Án phí hành chính, dân sự theo thủ tục rút gọn (bằng 50% mức án phí quy định);
- Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (1.500.000 đồng).
Thứ ba, bổ sung đối tượng không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án (khoản 1 Điều 11), cụ thể:
- Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện vụ án hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để thu hồi nợ vay trong trường hợp Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
- Người bào chữa của bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;
- Ngoài ra, Nghị quyết mới đã bổ sung hộ cận nghèo được miễn án phí, lệ phí Tòa án để tạo thuận lợi cho họ tiếp cận công lý.
Trên đây là một số điểm mới nổi bật của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 và thay thế Pháp lệnh về án phí và lệ phí Tòa án năm 2009.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?