Một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Cập nhật lúc: 14:49 23/10/2017

Hiện nay, các vụ án Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngày một tăng, kèm theo đó là những khó khăn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Tòa án nói riêng. Vậy, đâu là những vướng mắc, khó khăn:

Thứ nhất: Đắk Lắk là tỉnh có vị trí địa lý ở trung tâm của vùng Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 13.125 km²; phía bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, phía nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía tây giáp Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) với đường biên giới có chiều dài 70 km, tỉnh Đắk Lắk có 44 nhóm đồng bào dân tộc, chiếm khoảng 32% trong tổng số dân toàn tỉnh là 1,734 triệu người. Trong đó Êđê, M’nông và J’rai là các tộc người tại chỗ hay tộc người địa phương chính, còn các tộc người khác di cư đến trong 30 năm qua, như: Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái và Mông. Phần lớn các tộc người còn giữ lại di sản văn hoá riêng, tạo thành một mảng màu đặc sắc trong toàn bộ đời sống văn hoá vùng Tây Nguyên. Tuy các tộc người không cư trú thành những vùng riêng, song các dòng họ thường sống tập trung tại những địa bàn nhất định. Do vị trí địa lý đặc thù, diện tích rộng lớn, các thành phần dân tộc đa dạng, trình độ nhận thức pháp luật khác nhau nên khi tiến hành giải quyết các vụ án Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thường gặp khó khăn do thời gian triệu tập phải kéo dài, việc hợp tác với cơ quan tố tụng còn hạn chế, một số vụ án các đương sự là người địa phương nhưng đã đi làm ăn sinh sống ở nơi khác, một số trường hợp khi khởi kiện không xác định được địa chỉ cụ thể của người bị kiện, sau khi khởi kiện thường phó mặc cho cơ quan tiến hành tố tụng, việc giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai: Về xác định thẩm quyền của Tòa án: Theo quy định của Luật Quốc tịch thì "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài". Tuy nhiên, thời gian để xác định "lâu dài" không được quy định cụ thể trong một văn bản nào. Trường hợp người Việt Nam đi công tác, học tập hoặc du lịch nhưng khi hết thời hạn họ ở lại nước sở tại thì có được xem là người Việt Nam định cư nước ngoài hay không? Vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

 Thứ ba: Về thời hạn giải quyết, theo quy định tại Điều 203 Bộ luật TTDS 2015, thời gian giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý đến khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với các vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và 28 của Bộ luật TTDS là 4 tháng (nếu phức tạp thì 6 tháng), đối với các vụ án quy định tại Điều 30, 32 của BLTTDS là 02 tháng (nếu có tình chất phức tạp, bất khả kháng thì 3 tháng).

Tuy nhiên, đối với những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài thời hạn giải quyết theo quy định tại Điều 476 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là phải mở phiên tòa sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, nếu hoãn thì thời hạn là 01 tháng kể từ ngày thông báo thụ lý. Như vậy, trên thực tế khi giải quyết các vụ án có đương sự ở nước ngoài Tòa án không thể đảm bảo đúng thời hạn này. Bởi Tòa án không thể tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài mà phải thông qua đường bưu điện hoặc thông qua ủy thác tư pháp. Trong đó, nếu tống đạt qua đường bưu điện thì thời gian để một văn bản tố tụng cụ thể đến tay người nhận và phản hồi cho Tòa án nhanh nhất cũng mất 2 tháng, chưa kể đến việc đương sự ở nước ngoài phải sắp xếp thời gian để về Việt Nam...

Đối với việc ủy thác tư pháp, nhiều trường hợp thời gian từ khi Tòa án gửi hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp cho Bộ Tư pháp đến khi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài nhận được hồ sơ khá dài, chưa nói đến việc tống đạt phải thực hiện theo quy định của pháp luật của nước có đương sự đang cư trú.

Thứ tư: Trường hợp “mập mờ” về địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài. Không ít trường hợp công dân Việt Nam, không chịu tìm hiểu kỹ điều kiện, địa chỉ cụ thể của người nước ngoài; không yêu cầu người nước ngoài cung cấp địa chỉ tại nơi mà họ đang sinh sống... dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích bị xâm phạm.

Khi khởi kiện đến Tòa án thì không xác định được địa chỉ hoặc không có địa chỉ người nước ngoài, khiến Tòa án rất khó khăn trong xác định địa chỉ. Nhiều trường hợp, bị đơn trong vụ án là người đang ở nước ngoài khi biết mình bị khởi kiện tại tòa án luôn tìm cách né tránh, thay đổi địa chỉ (thường rơi vào diện lao động tự do, bất hợp pháp) nên Tòa án không thể triệu tập họ tham gia tố tụng và không có chế tài xử lý.

Một số trường hợp khi tìm hiểu, kết hôn với người nước ngoài, có yếu tố nước ngoài địa chỉ theo hồ sơ kết hôn là đúng, nhưng hồ sơ gửi ủy thác sang lại không tới (do thời gian dài không liên lạc được nay đã thay đổi sang địa chỉ khác hoặc do né tránh), mà Tòa án yêu cầu phải bổ sung địa chỉ theo luật, nếu không bổ sung được thì phải đình chỉ giải quyết vụ án. Nguyên tắc là vậy, nhưng nhiều đương sự không hiểu và cho rằng Tòa án gây khó khăn trong việc thụ lý, giải quyết vụ án.

Trên đây, là một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Hoàng Vấn