Một số quy định mới về giải quyết khiếu nại, kiến nghị về trả lại đơn khởi kiện trong Luật tố tụng hành chính 2015

Cập nhật lúc: 16:13 28/02/2017

Luật tố tụng hành chính (LTTHC) được Quốc hội khóa XIII , kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. So với Luật tố tụng hành chính năm 2010, Luật tố tụng hành chính năm 2015 có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về trả lại đơn khởi kiện.

Điều 124 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định:

1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.

2. Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại. Trường hợp người khởi kiện, Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp.

4. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và người khởi kiện có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp;

b) Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

5. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết.

6. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện;

b) Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp là quyết định cuối cùng. Quyết định này phải được gửi ngay cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát đã kiến nghị và Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện.

Theo quy định pháp luật, khi không đồng ý với một quyết định hành chính hay hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào nhận được đơn khởi kiện Tòa án có thầm quyền cũng thụ lý vụ án, có những trường hợp không chấp nhận bằng việc trả lại đơn khởi kiện và nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện để người khởi kiện có căn cứ thực hiện quyền khiếu nại.

So với Luật tố tụng hành chính năm 2010 quy định về việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện. Luật tố tụng hành chính năm 2015 bổ sung các quy định sau đây:

Thứ nhất, về nhận đơn khiếu nại, kiến nghị tại khoản 2 Điều 124 quy định “Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị”. Theo đó, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị về trả lại đơn khởi kiện sẽ được Tòa án có Thẩm quyền “tiến hành ngay” phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết khác hơn LTTHC năm 2010 là do Chánh án Tòa án trực tiếp xem xét, giải quyết trong thời hạn 03 ngày.

Thứ hai, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị tại Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện phải được tiến hành bằng phiên họp có sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và đương sự khiếu nại. Như vậy, LTTHC năm 2015 quy định việc mở phiên họp là thủ tục bắt buộc để giải quyết khiếu nại, kiến nghị.

Thứ ba, quy định về việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán do Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp giải quyết mà không phải do Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết như trước đây.

Những quy định mới của Luật tố tụng hành chính năm 2015 về việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với việc trả lại đơn khởi kiện nhằm khắc phục những thiếu sót của LTTHC năm 2010 đồng thời đảm bảo thủ tục tố tụng được rõ ràng, minh bạch góp phần cho Viện kiểm sát kiểm sát chặt chẽ việc trả lại đơn khởi kiện và việc trả lại đơn bảo đảm thận trọng.

Hữu Giáp