Một số thiếu sót thường mắc phải trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk trong năm 2016

Cập nhật lúc: 08:45 06/02/2017

Trong năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các tranh chấp về quyền sử dụng đất ở ĐắkLắk đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2016 Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh ĐắkLắk thụ lý tổng số 482 vụ và đã giải quyết 419 vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Nhìn chung, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh ĐắkLắk đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết, xét xử  đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức xã hội và công dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều lúc, nhiều nơi việc giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn, trong đó có cả yếu tố khách quan như:  Pháp luật chưa thực sự đồng bộ; nhiều quy định không phù hợp với đời sống xã hội, có sự mâu thuẫn, chồng chéo nhau nhưng lại chậm được sửa đổi bổ sung… và yếu tố chủ quan như:  Đội ngũ những người tiến hành tố tụng chưa thật sự nhận thức đầy đủ về tính chất đặc thù của các vụ tranh chấp đất đai; chậm khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai; trình độ chuyên môn của một số Thẩm phán còn hạn chế… Việc cấp quyền sử dụng đất của những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn chồng chéo cấp không đúng với thực trạng sử dung đất nên việc giải quyết tranh chấp đất đai gặp không ít khó khăn dẫn đến bản án bị hủy còn nhiều. 

Một số sai sót thường gặp dẫn đến án bị hủy do các nguyên nhân sau:

-  Xác định thiếu người tham gia tố tụng hoặc xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, không đưa đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

-  Đánh giá chứng cứ còn sơ sài , chưa toàn diện dẫn đến giải quyết vụ án không chính xác, xem xét tại chỗ không cụ thể, biên bản xem xét, thẩm định, định giá  không ghi hết toàn bộ tài sản trên đất tranh chấp dù giá trị sử dụng không đáng kể. 

-  Xác định chưa đúng quan hệ tranh chấp.

-  Chưa xem xét đầy đủ yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án dẫn đến giải quyết không đầy đủ hoặc vượt quá yêu cầu của đương sự.

      Ngoài ra trong quá trình  giải quyết tranh chấp đất đai một số thẩm phán còn chưa chú ý đến các vấn đề sau:

     -    Nguồn gốc hình thành đất đai đang tranh chấp .

     -   Quá trình quản lý sử dụng đất đang tranh chấp.

     -   Hồ sơ kê khai xin cấp giấy CNQSĐ  của đất đang tranh chấp .

     -   Tiến hành định giá đất, tài sản, vật kiến trúc, cây trồng có trên đất tranh chấp.

     -   Thẩm phán khi tiến hành thẩm định tại chỗ, định giá chưa mô tả đầy đủ thửa đất tranh chấp ( Tờ, thửa, tứ cận, kích thước, số đo từng cạnh. Kích thước thửa đất phải chính xác). Mô tả đầy đủ vật kiến trúc, cây trồng có trên đất…).

  Trên đây là ý kiến về một số thiếu sót thường gặp và những chú ý khi giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất trong thời gian qua.

Văn Công Dần