Một số vấn đề cần lưu ý trong công tác thi đua, khen thưởng và đánh giá, phân loại công chức năm 2019

Cập nhật lúc: 10:18 26/11/2019

I. Công tác thi đua, khen thưởng

Mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực, động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để đạt được những mục tiêu tốt đẹp đó, việc khen thưởng phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng, ngoài các tiêu chí về tỷ lệ giải quyết các loại vụ án, kết quả công tác thì đơn vị khi tiến hành bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng cần lưu ý những vấn đề sau:

1. Về nguyên tắc khen thưởng

Khi xét khen thưởng đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo.

Tập thể, cá nhân không được xét khen thưởng vì có bản án, quyết định bị hủy, sửa nhưng sau đó Hội đồng xét xử giám đốc thẩm kết luận việc hủy, sửa đó là chưa chính xác thì được xem xét, đề nghị khen thưởng bổ sung. Đối với vụ án bị cấp phúc thẩm hủy, sửa sau đó xét xử giám đốc thẩm hủy, sửa tiếp thì sẽ xác định lỗi 1 lần (tính 1 lần bị hủy, bị sửa).

Không xét khen thưởng đối với tập thể có cán bộ, công chức, người lao động bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị khởi tố hình sự. Các tập thể có cán bộ, công chức, người lao động bị xử lý kỷ luật khiển trách vẫn có thể được xét đề nghị khen thưởng nhưng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của tập thể đó phải thấp hơn 1 bậc so với các tập thể có cùng thành tích.

Ngoài các tiêu chí về tỷ lệ án, công tác chuyên môn thì không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với các trường hợp: Mới được tuyển dụng dưới 10 tháng, nghỉ từ 40 ngày làm việc trở lên, bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên, người giữ chức danh tư pháp có hành vi vi phạm bị kiểm điểm trước cơ quan đơn vị nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.

2. Về việc khen thưởng đối với Hội thẩm nhân dân

Tại Điều 24 của Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018 quy định đối với Hội thẩm nhân dân có 2 năm liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được Thủ trưởng (cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền địa phương nơi quản lý xác nhận). Đối với quy định này các đơn vị cần hướng dẫn cụ thể cho Hội thẩm về việc báo cáo thành tích trong 2 năm liên tục, cụ thể:

- Đối với trường hợp Hội thẩm đang công tác tại các cơ quan, đơn vị báo cáo thành tích phải được xác nhận của Thủ trưởng cơ quan nơi họ đang công tác và trong báo cáo phải nêu rõ thành tích công tác của 2 năm liên tục tại đơn vị, mức độ thực hiện công tác tại đơn vị như thế nào, có vi phạm cơ chế, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, vi phạm nội quy, quy chế cơ quan, bị người dân tố cáo, khiếu nại gì không? Đối với những Hội thẩm công tác tại các đơn vị mà việc tổng kết, đánh giá, bình xét thi đua khác, sau thời gian của Tòa án thì Hội thẩm cần báo cáo đến thời điểm xét thi đua của Tòa án.

- Đối với trường hợp Hội thẩm đã nghỉ hưu thì cần xác nhận của chính quyền địa phương (nơi Hội thẩm đang sinh sống) về việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Báo cáo thành tích phải phân tích rõ thành tích tại đơn vị đang công tác (áp dụng riêng đối với Hội thẩm đương chức), việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội thẩm tại Tòa án như số lượng vụ, việc đã tham gia phiên tòa từng năm cụ thể, việc nghiên cứu hồ sơ, chất lượng phiên tòa mà Hội thẩm tham gia có bị hủy, sửa vì lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử hay không? Có tích cực tham gia tập huấn nghiệp vụ hàng năm hay không? Có tích cực tham gia theo lịch phân công xét xử hay không?...Báo cáo thành tích theo mẫu số 05 của Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018.

3. Việc xác nhận của tổ chức Đảng, đoàn thể

Do thời gian tổng kết, đánh giá, bình xét thi đua của tổ chức Đảng, đoàn thể thực hiện sau thời gian bình xét thi đua của Tòa án nên đối với các đơn vị đề nghị các hình thức khen thưởng cao (tập thể lao động xuất sắc, cờ thi đua Tòa án nhân dân, cờ thi đua Chính phủ) cần làm xác nhận của tổ chức Đảng, đoàn thể là trong năm có vi phạm các quy định của tổ chức Đảng, đoàn thể hay không? Có thực hiện tốt các quy định, quy chế, nội quy của tổ chức Đảng, đoàn thể hay không? Không bắt buộc các đơn vị phải đề nghị tổ chức Đảng, đoàn thể xác nhận cho các đơn vị là phân loại tổ chức Đảng, đoàn thể đạt loại gì.

4. Việc đề nghị các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng

Các đơn vị cần lưu ý việc đề nghị các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải đảm bảo đúng theo các quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018 của Tòa án nhân dân tối cao, các tiêu chí tại các công văn phát động thi đua của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc viết tin bài cho Trang thông tin điện tử Tòa án nhân dân tỉnh.

Tránh các trường hợp bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng vượt quá tỷ lệ 15% đối với “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; 30% đối với hình thức “Giấy khen”; 30% đối với “Giấy khen đợt 3”.

Không đề nghị tặng “Giấy khen” vào dịp tổng kết cuối năm cho tập thể đã đề nghị danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” trở lên hoặc cho cá nhân đề nghị danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trở lên.

Năm 2019, có một số thay đổi mới về việc sử dụng kết quả đánh giá phân loại công chức, viên chức, người lao động làm căn cứ để khen thưởng (Điều 10 của Quyết định số 01/QĐ-TANDTC ngày 02/01/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về ban hành Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức, người lao động Tòa án nhân dân) nên các đơn vị khi đánh giá, phân loại công chức cần nắm rõ các tiêu chí để đánh giá, phân loại công chức đảm bảo chính xác, công bằng, bình đẳng và các đơn vị cần lưu ý:

- Bình xét thi đua có khống chế về tỷ lệ còn việc đánh giá, phân loại công chức không khống chế về tỷ lệ nên không bắt buộc cá nhân phải “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” mới được đề nghị “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, mà theo quy định tại Điều 14 Thông tư 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018 thì những cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ và có sáng kiến, giải pháp có hiệu quả trong công tác vẫn có thể được đề nghị xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

- Đối với các cá nhân “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 2 năm liên tiếp và có 2 sáng kiến có thể được đề nghị tặng “Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chứ không bắt buộc phải 2 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” như những năm trước đây.

II. Công tác đánh giá và phân loại công chức, người lao động

Ngày 02/01/2019, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra Quyết định số 01/QĐ-TANDTC ban hành Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức, người lao động Tòa án nhân dân. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/01/2019 và thay thế Quyết định số 851/QĐ-TANDTC ngày 13/7/2016.

Quá trình thực hiện, cần chú ý một số yêu cầu về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự thủ tục, hồ sơ đánh giá, phân loại công chức quy định tại các Điều 3, 5 và 7 của Quy chế, cụ thể như sau:

1. Vai trò của việc đánh giá và phân loại công chức, người lao động

Kết quả đánh giá, phân loại công chức được sử dụng làm căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, cho thôi việc và thực hiện chính sách đối với công chức; căn cứ tiếp tục ký hợp đồng làm việc, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; là cơ sở tham khảo trong đánh giá, phân loại đảng viên, đoàn viên công đoàn, đoàn viên Đoàn thanh niên.

2. Nguyên tắc đánh giá và phân loại

Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền đánh giá, đồng thời thực hiện việc phân loại công chức, người lao động và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Việc đánh giá phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của công chức, người lao động so với khối lượng công việc chung của đơn vị. Cần làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, thiếu sót, hạn chế về phẩm chất, năng lực trình độ của công chức, người lao động.

Việc đánh giá, phân loại công chức lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả hoạt động của đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng đơn vị không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Trường hợp công chức, người lao động không hoàn thành nhiệm vụ do yếu tố khách quan, bất khả kháng thì được xem xét trong quá trình đánh giá, phân loại.

Bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình đánh giá và phân loại công chức, người lao động.

3. Căn cứ, nội dung đánh giá và phân loại

Việc đánh giá và phân loại công chức căn cứ vào nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp và những việc công chức không được làm quy định tại Luật cán bộ, công chức; tiêu chuẩn ngạch công chức tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, quy tắc đạo đức, quy định theo chức danh; nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm được phân công hoặc được giao chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đối với người lao động là nghĩa vụ, đạo đức nghề nghiệp, các cam kết trong hợp đồng lao động.

Nội dung đánh giá và phân loại công chức được quy định cụ thể từ Điều 12 đến Điều 16 của Quy chế; đối với người lao động được quy định từ Điều 17 đến Điều 21.

4. Thời điểm đánh giá, phân loại

Thời điểm đánh giá, phân loại công chức được tiến hành trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng.

Công chức, người lao động khi chuyển công tác thì đơn vị mới có trách nhiệm đánh giá, phân loại kết hợp với ý kiến nhận xét của đơn vị cũ (đối với trường hợp có thời gian công tác ở đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên).

5. Thẩm quyền và các mức phân loại, đánh giá

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh có thẩm quyền đánh giá, phân loại đối với Phó Chánh án, công chức và người lao động Tòa án nhân dân tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi quản lý.

Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền đánh giá, phân loại đối với Phó Chánh án, công chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý.

Quá trình thực hiện đánh giá, phân loại công chức, người lao động cần chú ý: Theo Quy chế đánh giá và phân loại công chức, người lao động ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-TQNDTC ngày 02/01/2019 chỉ có 04 mức phân loại (Điều 6) gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ.

Quy chế mới đã loại bỏ mức phân loại “Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” (khoản 1 Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 851/QĐ-TCCB ngày 13/7/2016).

6. Trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại

6.1. Đối với Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện có Tòa chuyên trách:

- Bước 1: Công chức làm báo cáo tự đánh giá theo Mẫu; lấy ý kiến đánh giá bằng văn bản của cấp ủy nơi công tác và cấp ủy nơi cư trú.

- Bước 2: Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện chủ trì tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt gồm: Đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên và Trưởng các đơn vị cấu thành để mọi người đóng góp ý kiến đối với nội dung tự đánh giá, phân loại. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

- Bước 3: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lập hồ sơ đề nghị người có thẩm quyền đánh giá, phân loại công chức và thông báo kết quả theo quy định.

6.2. Đối với lãnh đạo, công chức, người lao động thuộc Tòa, Phòng Tòa án nhân dân tỉnh; Tòa, Phòng Tòa án nhân dân cấp huyện; các Tòa án nhân dân cấp huyện không có Tòa chuyên trách:

- Bước 1: Công chức, người lao động làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo Mẫu phiếu đánh giá.

Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải lấy ý kiến đánh giá bằng văn bản của cấp ủy nơi công tác và cấp ủy nơi cư trú.

- Bước 2: Trưởng các đơn vị Tòa, Phòng Tòa án nhân dân tỉnh; Tòa, Phòng Tòa án nhân dân cấp huyện; Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện không có Tòa chuyên trách chủ trì tổ chức Hội nghị toàn thể công chức, người lao động của đơn vị để góp ý đối với nội dung tự đánh giá, phân loại công chức, người lao động. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

- Bước 3: Trên cơ sở ý kiến tham gia tại Bước 1 và Bước 2, Trưởng các đơn vị lập hồ sơ đề nghị đánh giá, phân loại báo cáo người có thẩm quyền để đánh giá, phân loại công chức.

- Bước 4: Căn cứ vào hồ sơ đề nghị đánh giá, phân loại công chức, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện tiến hành đánh giá và phân loại công chức theo thẩm quyền và thông báo kết quả theo quy định.

7. Hồ sơ đề nghị đánh giá, phân loại

- Văn bản đề nghị đánh giá, phân loại công chức, người lao động;

- Biên bản Hội nghị đánh giá, phân loại;

- Phiếu đánh giá, phân loại của công chức, người lao động;

- Ý kiến đánh giá bằng văn bản của cấp ủy nơi công tác, cấp ủy nơi cư trú đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Thanh Tùng - Lê Thế