Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong việc giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng

Cập nhật lúc: 07:36 07/02/2017

Tranh chấp hợp đồng tín dụng là dạng tranh chấp kinh doanh thương mại phổ biến, chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ án mà Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Đắk Lắk thụ lý giải quyết. Thông qua công tác xét xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình xét xử đối với loại án tranh chấp này. Cụ thể:

1. Về việc xác định tư cách nguyên đơn:

Theo quy định tại Điều 68, Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng mà Tòa án thụ lý giải quyết thì nguyên đơn phải là tổ chức có tư cách pháp nhân, có đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự 2015 như: Được thành lập một cách hợp pháp, theo cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, ngoài ra pháp nhân còn nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Thực tiễn giải quyết án kinh doanh thương mại tại Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Đắk Lắk cho thấy việc Tòa án xác định nguyên đơn là các Ngân hàng có tư cách pháp nhân là đúng pháp luật, nhưng trong phần quyết định lại tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Chi nhánh và Phòng Giao Dịch là không đúng. Bởi lẽ, tại khoản 1 và khoản 5 Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân như sau: “...Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân...” ...Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền…. Như vậy Chi nhánh, văn phòng đại diện không phải là pháp nhân mà chỉ là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, được thành lập để thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của pháp nhân. Hay có thể được hiểu là các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do Chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện thì pháp nhân cũng sẽ có các quyền và nghĩa vụ đó. Người đứng đầu Chi nhánh, văn phòng đại diện sẽ thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của mình.

Thực tiễn qua các vụ án như sau:

Ví dụ 1: Trong vụ án kinh doanh thương mại về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn: Ngân hàng AAA với bị đơn: Ông Nguyễn Hồng H và bà Nguyễn Thị N. Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 10/2016/KDTM-ST ngày 15/4/2016 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định: “Buộc bà Nguyễn Thị N và ông Nguyễn Hồng H trả nợ cho Ngân hàng tổng số tiền là 2.352.600.000 đồng. Sau khi ông H và bà N đã trả xong nợ gốc và lãi thì Ngân hàng AAA - Chi nhánh BBB có nghĩa vụ trả lại cho ông H và bà N 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ...”.

Ví dụ 2: Trong vụ án kinh doanh thương mại về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn: Ngân hàng CCC với bị đơn: Bà Phạm Thị T và ông Vũ Huy S. Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 06/2016/KDTM-ST ngày 15/4/2016 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định: “Chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn – Phòng Giao Dịch DDD - Chi nhánh Ngân hàng CCC.  Buộc vợ chồng bà Phạm Thị T và ông Vũ Huy S phải trả cho Phòng Giao Dịch DDD - Chi nhánh Ngân hàng CCC 2.204.281.250 đồng tiền vay còn nợ...”.

Xét thấy: Cả 2 ví dụ nêu trên đều cho thấy Toà án cấp sơ thẩm xác định nguyên đơn: Ngân hàng AAA và Ngân hàng CCC là đúng pháp luật nhưng trong phần quyết định lại tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Ngân hàng AAA - Chi nhánh BBB và Phòng Giao Dịch DDD - Chi nhánh Ngân hàng CCC là không đúng. Những sai sót trên đã được cấp phúc thẩm khắc phục tại Bản án phúc thẩm số: 11/2016/KDTM-PT ngày 19/7/2016 và Bản án phúc thẩm số: 09/2016/KDTM-PT ngày 15/7/2016 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, theo đó tuyên buộc bị đơn có trách nhiệm thanh toán cho Ngân hàng AAA và Ngân hàng CCC là đúng với người khởi kiện có tư cách pháp nhân là Ngân hàng AAA và Ngân hàng CCC. Giám đốc Ngân hàng AAA - Chi nhánh BBB và Giám đốc Phòng Giao Dịch DDD - Chi nhánh Ngân hàng CCC sẽ thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của mình trong quá trình thi hành án.

2. Về việc xử lý hợp đồng thế chấp, bảo lãnh:

Trong hoạt động cấp tín dụng, hợp đồng thế chấp, bảo lãnh được coi là hợp đồng phụ của các hợp đồng tín dụng nhưng lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh luôn là biện pháp bảo đảm an toàn cho Ngân hàng trong trường hợp khách hàng không trả được nợ, theo đó phạm vi thế chấp, bảo lãnh hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.

Mặc dù vậy, hợp đồng thế chấp, bảo lãnh lại phát sinh rất nhiều vấn đề dễ dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp. Lỗi có thể xuất phát từ chính Ngân hàng do thẩm định thiếu sót hoặc do chủ sở hữu cố tình che giấu. Qua giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Đắk Lắk cho thấy: Việc tham gia và ký kết hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản chung của vợ chồng của các Ngân hàng còn có những sai sót, chưa đúng quy định tại Điều 213 Bộ luật dân sự 2015; khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình. Cụ thể:

+ Điều 213 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án…”

+ Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”

 + Khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định:

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.”

* Như vậy, đối với tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì khi thế chấp, bảo lãnh phải có sự thỏa thuận, đồng ý của cả hai vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 213 của Bộ luật dân sự 2015 về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Việc thỏa thuận, đồng ý này phải được lập bằng văn bản.

Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh phải có chữ ký của hai vợ chồng. Trường hợp hợp đồng thế chấp, bảo lãnh chỉ có chữ ký của một người thì phải có văn bản của người kia xác nhận việc đồng ý thế chấp tài sản đó, ví dụ: văn bản đồng ý thế chấp tài sản cho ngân hàng, văn bản ủy quyền ký kết hợp đồng thế chấp …

Nếu hợp đồng thế chấp, bảo lãnh chỉ có một bên vợ hoặc chồng ký kết và không có văn bản thể hiện sự đồng ý của người kia đối với việc thế chấp, bảo lãnh đó thì hợp đồng thế chấp, bảo lãnh sẽ bị vô hiệu toàn bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ.

Vũ Đức Mạnh