Một số vướng mắc, bất cập của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015

Cập nhật lúc: 16:06 18/01/2017

Ngày 27/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và Nghị quyết thi hành Bộ luật. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân được Quốc hội thông qua

Ngày 27/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và Nghị quyết thi hành Bộ luật. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới, là đạo luật cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS năm 2003 để khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm cho Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật[1]. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành BLTHS năm 2015, chúng tôi nhận thấy còn một số vướng mắc, bất cập cẩn phải sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn để bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể:

Thứ nhất, về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 41 quy định: “…quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này;” và tại điểm b khoản 2 Điều 41 quy định: “... quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can;...”. Như vậy, quy định giữa điểm a khoản 2 Điều 41 và điểm b khoản 2 Điều 41 BLTTHS có sự trùng lặp khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát. Do đó, cần biên tập lại để không trùng lắp.

Thứ hai, về đăng ký bào chữa được quy định tại Điều 78. Tại khoản 6 Điều 78 quy định: “Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp:

a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;

b) Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa...”

Theo đó, đối với trường hợp đã có văn bản thông báo người bào chữa nhưng xảy ra các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 6 Điều 78 BLTTHS thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xử lý như thế nào? Có cần ra văn bản thông báo hay không thì BLTTHS 2015 không quy định.

Vì vậy, đề xuất sửa đổi bổ sung khoản 6 như sau:

6. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng. Trong các trường hợp sau đây thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra thông báo chấm dứt hoặc thay đổi người bào chữa:

a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;

b) Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa...”.

Thứ ba, tại Điều 83 quy định về Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và tại Điều 84 quy định Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Nội dung của hai điều này chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà không quy định thủ tục đăng ký hoặc cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Do vậy, đề nghị bổ sung thêm khoản 5 vào các Điều 83, 84. Cụ thể, khoản 5, Điều 83 bổ sung: “Thủ tục đăng ký Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 78 Bộ luật này” và khoản 5, Điều 84 “Thủ tục đăng ký Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại Điều 78 Bộ luật này”.

Thứ tư, tại Điều 128 quy định về việc kê biên tài sản nhưng chỉ quy định về căn cứ kê biên; người có thẩm quyền kê biên; thủ tục kê biên tài sản. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng mà Điều này không quy định là cơ quan nào thực hiện Quyết định kê biên tài sản trong các giai đoạn tố tụng.

Do vậy, đề nghị bổ sung thêm khoản 5 Điều 128 như sau:

5. Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền, có trách nhiệm tổ chức thi hành lệnh kê biên tài sản của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tổ chức thi hành lệnh kê biên tài sản của Tòa án.”

Thứ năm, về tạm giam trong khi có Quyết định tạm đình chỉ điều tra tại điểm c khoản 1 Điều 229 BLTTHS liệt kê việc cơ quan Điều tra ra quyết định tạm định chỉ: Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả”. Như vậy, có nghĩa là nhà làm luật đã dự liệu trên thực tế vẫn tồn tại trường hợp đã hết thời hạn điều tra mà chưa có kết quả giám định, định giá. Mặt khác, tại Điều 173 BLHTTHS chỉ quy định về thời hạn tạm giam để điều tra nhưng không quy định thời hạn tạm giam khi có Quyết định tạm đình chỉ theo điểm c khoản 1 Điều 229 BLTTHS. Do đó, Cần bổ sung khoản 8 Điều 173 như sau: “8. Thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam trong trường hợp vụ án đang tạm đình chỉ điều tra được thực hiện theo quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này.Nếu quá các thời hạn trên mà chưa có căn cứ phục hồi điều tra thì phải trả tự do cho bị can; trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.”

Thứ sáu, về quy định thời hạn áp dụng việc truy tố tại Điều 240 và việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế tại Điều 241 BLTTHS. Với quy định tại các Điều này được hiểu là áp dụng đối với những vụ án được giải quyết theo trình tự ban đầu. Tại Điều 174 BLTTHS 2015 quy định về thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại và thời hạn tạm giam nhưng trong giai đoạn truy tố BLTTHS không quy định về thời hạn truy tố và thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố đối với trường hợpViện kiểm sát nhận lại hồ sơ vụ án do điều tra bổ sung. Việc này sẽ dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Do vậy, đề nghị Bổ sung khoản 4 Điều 240 “Trong trường hợp Viện kiểm sát nhận lại hồ sơ vụ án do trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì thời hạn quyết định việc truy tố và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án không được quá thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Sửa đoạn 2 khoản 2 Điều 241 như sau: “Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố không được quá thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 240 của Bộ luật này

Thứ bảy, về quy định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế tại khoản 2 Điều 278 thì “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277”. Quy định này chưa chuẩn xác bởi lẽ Điều 277 có 3 khoản: khoản 1 quy định thời hạn từ ngày thụ lý đến ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử; khoản 3 quy định thời hạn từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến ngày mở phiên tòa. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 278 thì thời gian từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến ngày mở phiên tòa không được áp dụng biện pháp tạm giam. Do vậy, đề nghị sửa khoản 2 Điều 278 như sau:

“2. Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 277 của Bộ luật này.”

Thứ tám, về việc nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án tại khoản 1 Điều 278 lại quy định: Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định”. Tuy nhiên, tại Đoạn 2 Điều 276 quy định Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án.” Như vậy,  giữa 2 quy định có độ lệch về thời gian. Cụ thể, là sau khi thụ lý vụ án có tối đa 03 ngày chưa có Thẩm phán chủ tọa thì không thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 278. Do vậy, đề nghị Sửa khoản 1 Điều 278 theo hướng thay cụm từ “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa” bằng cụm từ “Tòa án”.

Thứ chín, về thời hạn tạm giam khi tạm đình chỉ vụ án và trường hợp hoãn phiên tòa, BLTTHS năm 2015 chưa quy định về thời hạn tạm giam trong trường hợp Tòa án tạm đình chỉ vụ án theo điểm c khoản 1 Điều 229 và trường hợp hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 297 BLTTHS. Do vậy, để hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam và tránh sự tùy tiện dẫn đến xâm phạm quyền cơ bản của công dân; đề nghị bổ sung khoản 4 Điều 278 như sau:

4. Trong trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ hoặc hoãn phiên tòa thì việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu thời hạn tạm giam đã hết theo quy định tại khoản 2 Điều này thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác”.

Thứ mười, về việc tạm giam trong trường hợp hoãn phiên tòa phúc thẩm quy định tại Điều 352 BLTTHS không quy định về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong trường hợp hoãn phiên tòa phúc thẩm. Do vậy, đề nghị bổ sung thêm khoản 3 Điều 352 như sau:

“3. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong trường hợp hoãn phiên tòa được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 347 của Bộ luật này. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 297 của Bộ luật này”.

 Trên đây là những vước mắc, bất cấp của BLTTHS năm 2015 và những ý kiến góp ý, trao đổi của cá nhân góp phần cho việc áp dụng pháp luật thống nhất tại các cơ quan tiến hành tố tụng.

 

[1] Tạp chí TAND số 7 năm 2016 (Trang 6)

Nguyễn Văn Chung