Một số vướng mắc khi đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện trong tố tụng dân sự
Cập nhật lúc: 19:00 10/03/2017
Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Theo quy định tại Điều 217 BLTTDS năm 2015 về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:
1.Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình,Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện…
…
Và theo quy định tại Điều 219 BLTTDS 2015, thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án: Trước khi mở phiên tòa thuộc thẩm quyền của thẩm phán được phân công giải quyết vụ án; tại phiên tòa thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 không quy định việc đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện trước khi mở phiên tòa thì được xử lý như thế nào? Chỉ quy định tại Điều 244 BLTTDS năm 2015 “xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu” tại phiên tòa. Trong trương hợp đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có ra quyết định đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu mà đương sự rút hay không? Và hình thức bằng một quyết định cá biệt “đình chỉ giải quyết một phần yếu cầu” hay ghi nhận trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (trường hợp vụ án không phải đưa ra xét xử). Trong Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao, ban hành 93 biểu mẫu trong tố tụng dân sự cũng không có mẫu đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ có mẫu “đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”.
Để làm rõ nội dung nêu trên, xin lấy một ví dụ cụ thể: Ông A có đơn khởi kiện về việc “tranh chấp hôn nhân và gia đình” đối với bà B. Trong đơn khởi kiện có 03 yêu cầu Tòa án giải quyết:
- Xin ly hôn với bà B;
- Yêu cầu về chăm sóc và nuôi dưỡng con chung;
- Chia tài sản chung của vợ chồng.
Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa, ông A có đơn rút yêu cầu khởi kiện chia tài sản (đã nộp tạm ứng án phí về phần yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng) chung vợ chồng, bà B cũng không có yêu cầu phản tố về yêu cầu này; đồng thời giữa ông A và bà B thuận tình ly hôn, thỏa thuận với nhau về việc chăm sóc và nuôi dưỡng con chung. Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Vấn đề đặt ra: Phần rút yêu cầu khởi kiện của ông A về chia tài sản chung vợ chồng của ông A được xử lý như thế nào, bằng hình thức gì?
Quan điểm thứ nhất: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án xem xét ra quyết định đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu của ông A về chia tài sản chung vợ chồng.
Quan điểm thứ hai: Chấp nhận và đình chỉ giải quyết phần yêu cầu rút trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trả lại tiền tạm ứng án phí về yêu cầu chia tài sản cho ông A.
Quan điểm của cá nhân: Đồng ý với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ, về nguyên tắc đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự họ có quyền chấm dứt hay thay đổi yêu cầu của mình (Điều 5 BLTTDS 2015). Mặt khác, Tòa án phải giải quyết tất cả các yêu cầu của đương sự bằng một quyết định hay bản án, có như vậy vụ việc dân sự mới được giải quyết triệt để và có cơ sở pháp lý. Nếu thẩm phán ghi nhận và đình chỉ giải quyết phần rút yêu cầu của ông A trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sẽ dẫn đến mâu thuẫn về quyền kháng cáo kháng nghị, do quyết định đình chỉ giải quyết có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, còn quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì không.
Kiến nghị: Cần có sự hướng dẫn cụ thể về vấn đề này của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất
Trong khi chờ hướng dẫn, mong được sự trao đổi của bạn đọc nhằm làm sáng tỏ nội dung trên.
Nguyễn Minh Tân, Chánh án Tòa án huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?