Một số vướng mắc trong thực tiễn xét xử tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Cập nhật lúc: 04:08 20/07/2021

Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) có quy định cụ thể về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu. Tuy nhiên, thực tế còn tồn tại rất nhiều giao dịch dân sự không đảm bảo về điều kiện có hiệu lực theo quy định. Vậy, hậu quả pháp lý của những giao dịch này như thế nào, có bắt buộc phải giải quyết cùng với tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không.

Theo quy định tại Điều 131 của BLDS thì khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, có những vấn đề phát sinh sau khi giao nhận tài sản, ngoài việc trả lại tài sản còn phải giải quyết những vấn đề phát sinh là sự thay đổi của tài sản, hoa lợi, lợi tức của tài sản, bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, các bên đương sự mặc dù đã được Tòa án giải thích về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ đã làm rõ hơn nội dung này theo đó, “Khi giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án phải giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Việc giải thích phải được ghi vào biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án. Trường hợp Tòa án đã giải thích nhưng tất cả đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà không phải giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu; trừ trường hợp đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba”.

Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 5 của Bộ luật tố tụng dân sự (viết tắt: BLTTDS) quy định “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.

Như vậy, quy định về việc Tòa án có thể giải quyết yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu mà không đồng thời giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu là có cơ sở.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhận thức khác nhau trong quá trình giải quyết và còn có rất nhiều bản án của cấp sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy với lý do tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không đồng thời giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu.

Ví dụ 1: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã lập biên bản làm việc giải thích hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu nhưng các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu. Bản án cấp sơ thẩm quyết định tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu. Nguyên đơn có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm với lý do cấp sơ thẩm tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố giao dịch dân sự là có căn cứ, tuy nhiên không giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu nên chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

Ví dụ 2: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Bị đơn có đơn yêu cầu độc lập yêu cầu giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn rút yêu cầu độc lập. Bản án sơ thẩm quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu và đình chỉ yêu cầu độc lập của bị đơn, tuyên quyền khởi kiện lại vụ án cho bị đơn. Bị đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm và đề nghị cấp phúc thẩm xem xét hủy toàn bộ bản án. Bản án phúc thẩm phân tích nhiêu vi phạm của cấp sơ thẩm, trong đó có vi phạm Điều 131 BLTTDS không giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu và hủy bản án cấp sơ thẩm.

Như vậy, qua hai ví dụ nêu trên tác giả thấy rằng giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu là bắt buộc khi tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.

Vấn đề đặt ra ở đây nếu trường hợp đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu nhưng Tòa án vẫn xem xét giải quyết thì có vượt quá yêu cầu khởi kiện vi phạm nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự như đã nêu trên hay không.

Vì thực tế người yêu cầu không phải là người tham gia vào giao dịch dân sự mà họ chỉ là người liên quan đối với đối tượng giao dịch. Ví dụ: Sau khi ly hôn, nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận chia tài sản chung. Sau khi chia tài sản, giữa nguyên đơn và bị đơn không có tranh chấp gì nhưng bị đơn có thỏa thuận với nguyên đơn đưa cho bị đơn một số tiền, sau này sẽ cấn trừ vào tài sản chung được chia cho nguyên đơn thì nguyên đơn đồng ý đưa một số tiền cho bị đơn, tuy nhiên bị đơn không thực hiện mà chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bị đơn với người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Quá trình giải quyết vụ án thấy rằng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bị đơn với người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất viết tay, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc đất thực hiện hợp đồng giao khoán trồng, chăm sóc cây cà phê và có quyết định thu hồi đất giao cho UBND nơi có đất quản lý, cấp sơ thẩm giải thích hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu cho các đương sự nhưng không có đương sự nào yêu cầu giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu.

Phùng Nở