Một số vướng mắc trong việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự

Cập nhật lúc: 09:38 12/06/2020

1. Việc áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Theo khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 có 22 tình tiết giảm nhẹ được quy định từ điểm a đến điểm x.

Thứ nhất: Về tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bồi thường thiệt hại, do điều luật không quy định mức độ bồi thường nên có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng bồi thường một phần dù nhỏ vẫn áp dụng tình tiết này; có quan điểm lại cho rằng phải bồi thường đáng kể mới áp dụng tình tiết này; lại có quan điểm cho rằng nếu bị cáo đã bán hết tài sản nhưng cũng chỉ bồi thường được một phần rất nhỏ so với hậu quả xảy ra thì cũng phải áp dụng. Trên thực tế hiện nay nhiều vụ án gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, như vậy nếu bị cáo bồi thường vài triệu mà được áp dụng điểm b thì có thỏa đáng không. Vấn đề này còn phải tùy thuộc vào mức hiệt hại, khả năng kinh tế của bị cáo, nếu bị cáo đã bán hết tài sản để bồi thường được một phần rất nhỏ thì nên xem xét áp dụng tình tiết “ăn năn, hối cải” mà không áp dụng tình tiết bồi thường thì hợp lý hơn không. Có trường hợp tài sản trộm cắp đã được bị cáo trả lại sau khi chiếm đoạt, có quan điểm cho rằng đây không phải là tiền bồi thường nên không áp dụng tình tiết “tự nguyện bồi thường” là đúng, nên chăng áp dụng tình tiết “khắc phục hậu quả” cho bị cáo.

Thứ hai: Về tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS.

Có ý kiến đặt ra rằng: Trong tội giết người mà người đó không chết, hiếp dâm nhưng chưa giao cấu được, thì có được áp dụng tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” hay không. Theo quan điểm cá nhân: Chưa gây thiệt hại là hậu quả cuối cùng mà người phạm tội hướng đến nhưng vì bất cứ lý do gì đó mà hậu quả chưa xảy ra hoặc hậu quả không lớn thì vẫn được áp dụng. Tuy nhiên, những tội cấu thành hình thức như tội “cướp”, “hiếp” còn phải xem xét đến hậu quả về tinh thần, tính mạng, sức khỏe và hậu quả cho xã hội như thế nào để còn xem xét áp dụng.

Thứ ba: Về tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS.

Vấn đề đặt ra là bị cáo chưa phạm tội lần nào, có nhân thân tốt, tuy nhiên lần này bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, nhưng bị cáo phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm, thì có được áp dụng tình tiết này không. Qua thực tiễn xét xử thấy rất ít Thẩm phán áp dụng tình tiết này trong trường hợp cụ thể nói trên. Vì vậy cũng cần nêu ra để đánh giá thống nhất hơn thế nào là “Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

Thứ tư: Về tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.

Trường hợp bị cáo đã khai hết toàn bộ diễn biến hành vi phạm tội nhưng họ cho rằng hành vi của họ không phạm tội, thì có Thẩm phán không áp dụng tình tiết “thành khẩn khai báo” là không chính xác, bởi lẽ bị cáo đã thành khẩn khai báo toàn bộ sự việc nhưng do nhận thức về pháp luật nên bị cáo không hiểu hành vi của mình là phạm tội. Thành khẩn khai báo phải được hiểu là không khai gian dối điều gì có liên quan đến hành vi phạm tội. Có trường hợp tại phiên tòa, bị cáo không khai báo trung thực mà phải đấu tranh, dùng mọi biện pháp, nghiệp vụ đến lúc bị cáo thấy không thể chối cãi được mới nhận tội nhưng vẫn áp dụng tình tiết “thành khẩn khai báo” có phù hợp không. Hay người phạm tội bị bắt quả tang, chứng cứ rõ ràng, bị cáo không thể chối tội mà phải khai ra, thì có áp dụng tình tiết này không. Quan điểm của hầu hết thẩm phán là vẫn áp dụng có lợi cho bị cáo và căn cứ vào mức độ thành khẩn đến đâu, thời điểm nào để áp dụng hình phạt cho tương xứng.

2. Việc áp dụng một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

Tình tiết tăng nặng TNHS được quy định tại Điều 52 BLHS 2015 với 15 tình tiết.

Thứ nhất, về tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 BLHS.

Tuy có nhiều văn bản hướng dẫn đối với tình tiết này đó là: tội phạm đó được lặp đi lặp lai nhiều lần và người phạm tội coi việc phạm tội là phương tiện kiếm sống. Do đó, người phạm tội có thực hiện hàng loạt hành vi nhưng không lấy đó làm phương tiện kiếm sống thì không áp dụng tình tiết này. Vì vậy, để chứng minh mục đích chiếm đoạt của bị cáo để làm phương tiện kiếm sống là hết sức khó khăn. Trong khi đó trên thực tế bị cáo trộm, cướp hàng loạt vụ nhưng vẫn không thể chứng minh “điều kiện để kiếm sống” mà áp dụng tình tiết tăng nặng này.

Thứ hai, về tình tiết “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS.

Nhìn chung việc áp dụng tình tiết này là chính xác, mang tính thống nhất cao. Tuy nhiên, một số vụ án mặc dù người phạm tội có sự can ngăn của người khác hoặc có những cản trở khác trong quá trình thực hiện tội phạm, nhưng người phạm tội vẫn thể hiện quyết tâm phạm tội cao, thực hiện bằng được tội phạm nhưng không áp dụng tình tiết này. Có trường hợp người phạm tội có quyết tâm phạm tội nhưng lại không phải cố tình thực hiện tội phạm đến cùng vì quá trình thực hiện tội phạm họ không bị sự cản trở nào hoặc sự cản trở đó không đáng kể nhưng lại áp dụng tình tiết này là không đúng, không công bằng, dẫn đến áp dụng mức hình phạt không phù hợp.

Thứ ba, về tình tiết “Phạm tội đối với người bị hạn chế khả năng nhận thức” quy định tại điểm k khoản 1 Điều 52 BLHS.

Trong trường hợp này, người bị hại bị hạn chế khả năng nhận thức, tức là họ vẫn còn nhận thức được chứ không phải mất hoàn toàn. Có ý kiến cho rằng luật quy định “hạn chế khả năng nhận thức” như vậy người bị hại “mất hoàn toàn khả năng nhận thức” thì không áp dụng, ý kiến trên là xác đáng. Tuy nhiên, nếu người bị hại mất hoàn toàn khả năng nhận thức thì người phạm tội phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được” ví dụ như đánh, hiếp hay dâm ô người mắc bệnh tâm thần.

Trên đây là một số ý kiến xin nêu ra để cùng trao đổi, rất mong nhận được đóng góp ý kiến của bạn đọc.

Nguyễn Tấn Đức