Một số ý kiến trao đổi, đề xuất trong việc giải quyết vụ án hôn nhân liên quan đến bạo lực gia đình
Cập nhật lúc: 10:12 11/02/2020
Theo "Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam", năm 2010 do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện, 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong cuộc đời.
1. Bạo lực gia đình – Một trong những nguyên nhân gia tăng các vụ án Hôn nhân gia đình.
Theo "Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam", năm 2010 do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện, 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong cuộc đời.
Báo cáo này chỉ ra, 32% số phụ nữ từng kết hôn đã chịu bạo lực thể xác trong đời; khoảng 5% phụ nữ từng có thai cho biết, họ đã bị chồng đánh đập trong thời gian mang thai. Tỷ lệ bạo lực tinh thần còn ở mức cao hơn, 54% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tinh thần. Hầu hết phụ nữ bị bạo lực (87%) chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc từ những người có thẩm quyền. Theo kết quả thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2011 tới 2015, trung bình mỗi năm, nước ta xảy ra hơn 31.500 vụ bạo lực gia đình, mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực. Trong tổng số 157.859 vụ bạo lực gia đình được phát hiện từ năm 2011 đến năm 2015, trường hợp nạn nhân là phụ nữ (từ 16 đến 59 tuổi) chiếm 74,24%(*).
Những con số biết nói nêu trên phản ảnh tình trạng bạo lực gia đình hiện nay đang ở mức báo động. Một hệ lụy không thể tránh khỏi là số lượng các vụ án hôn nhân gia đình mà nguyên nhân xuất phát từ tình trạng bạo lực gia đình cũng tăng lên đáng kể.
Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình hiện nay nảy sinh một vấn đề đáng lo ngại, đó là nhiều trường hợp người khởi kiện lâm vào tình trạng bị bạo hành nghiêm trọng hơn từ khi làm đơn khởi kiện. Do đó, đối với loại vụ việc đặc biệt này, cần có cơ chế phù hợp để giải quyết trong quá trình tố tụng nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho các bên đương sự, đặc biệt là người bị bạo hành gia đình.
2. Sự cần thiết của việc áp dụng thủ tục rút gọn trong vụ án hôn nhân gia đình có yếu tố bạo lực gia đình trong một số trường hợp.
Một trong những quy định mới của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đó là quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự. Cụ thể, thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự được quy định tại Phần thứ 4, chương XVIII, từ Điều 316 đến Điều 324.
Việc quy định thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự nói chung và trong vụ án hôn nhân gia đình nói riêng vừa đảm bảo được phương thức, nhu cầu giải quyết vụ án, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho đương sự, trong đó có người bị bạo hành gia đình.
Theo quy định hiện hành, trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn, Thẩm phán được phân công giải quyết đưa vụ án ra xét xử. Mặt khác, tại phiên tòa, Thẩm phán sẽ tiến hành thủ tục hòa giải.
Như vậy, nếu các vụ án hôn nhân gia đình có yếu tố bạo lực gia đình được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì quyền được hòa giải của các đương sự vẫn được bảo đảm trong khi thời gian giải quyết rút ngắn đi rất nhiều.
3. Những khó khăn, vướng mắc và ý kiến đề xuất để vụ án Hôn nhân gia đình có yếu tố bạo lực gia đình được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Để một vụ án được áp dụng theo thủ tục rút gọn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Điều 317 BLTTDS là:
- Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
- Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
- Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Đối chiếu các quy định nêu trên, một vụ án hôn nhân gia đình cũng có thể được áp dụng giải quyết theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, trong một vụ án thông thường (không có yếu tố nước ngoài hoặc không có yêu cầu giải quyét về vấn đề tài sản) để bảo đảm được điều kiện “Tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ” là tương đối khó khăn. Bởi lẽ không phải lúc nào đương sự cũng có thể cung cấp đầy đủ các chứng cứ, chứng minh hoặc tự mình thu thập được chứng cứ để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đặc biệt là nguyên đơn xin ly hôn vì nguyên nhân bạo lực gia đình và chứng minh được mình đang là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình. Đồng thời, nếu Tòa án chỉ căn cứ dựa trên các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp nhưng không xác minh làm rõ nội dung các tài liệu, chứng cứ đó có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn. Do đó, hiện nay các vụ án hôn nhân gia đình có yếu tố bạo lực gia đình đa số vẫn giải quyết theo thủ tục thông thường và phải trải qua nhiều thủ tục, thời gian giải quyết tương đối lâu và nguyên đơn khởi kiện vẫn tiếp tục phải chịu đựng sự bạo lực gia đình. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp thực tế người vợ do bị bạo lực gia đình làm đơn yêu cầu ly hôn, khi giải quyết tại Tòa án đã bị chính bị đơn là người chồng đâm chết. Điều đó cho thấy tình trạng bạo lực gia đình kéo dài nếu không được giải quyết nhanh sẽ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Để xác định một vụ án hôn nhân gia đình có yếu tố bạo lực gia đình, Tòa án thường căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện cung cấp (ví dụ như chứng nhận thương tích, biên bản sự việc của cơ quan có thẩm quyền về việc bạo hành hay xác nhận tình trạng bạo lực của chính quyền địa phương…) hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án sẽ tiến hành xác minh để thu thập các chứng cứ liên quan trong quá trình giải quyết.
Theo quan điểm của người viết, nhằm giúp cho cho người yêu cầu giải quyết ly hôn mà nguyên nhân xuất phát từ tình trạng bạo lực gia đình được áp dụng thủ tục rút gọn, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn cần có ngoại lệ. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 317 có thể quy định như sau:
1. Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ trừ trường hợp vụ án hôn nhân và gia đình mà nguyên nhân dẫn đến yêu cầu ly hôn xuất phát từ tình trạng bạo lực gia đình.
b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Theo đề xuất nêu trên, đối với vụ án ly hôn có cơ sở xác định là có tình trạng bạo lực gia đình đang diễn ra. Thẩm phán vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết. Tuy nhiên, trong thời hạn giải quyết theo luật định là 01 tháng, Thẩm phán có thể thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định tình trạng bạo lực gia đình, trong nhiều trường hợp thời gian để đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn 01 tháng là hoàn toàn khả thi. Mặt khác, nếu hết thời hạn này mà các tình tiết của vụ án chưa rõ ràng, chứng cứ chưa đầy đủ hoặc việc thu thập chứng cứ của Tòa án chưa hoàn thành thì Thẩm phán quyết định chuyển vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường.
Việc Tòa án vẫn có thể thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn vụ án hôn nhân và gia đình mà nguyên nhân dẫn đến yêu cầu ly hôn xuất phát từ tình trạng bạo lực gia đình sẽ bảo đảm tốt quyền và lợi ích chính đáng cho cả nguyên đơn và bị đơn, phán quyết của Tòa án sẽ khách quan hơn trong khi rút ngắn được thời gian giải quyết vụ án.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi liên quan đến việc giải quyết vụ án hôn nhân gia đình có yếu tố bạo lực gia đình. Quan điểm của người viết được nêu ra trong phạm vi vụ án hôn nhân và gia đình không có yêu cầu giải quyết về vấn đề tài sản. Rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.
(*)Trích dẫn nguồn:https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/41442302-bao-luc-gia-dinh-khong-phai-la-%E2%80%9Cchuyen-trong-nha%E2%80%9D.html
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?