MỘT VÀI Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ “NGƯỜI YÊU CẦU KHỞI TỐ RÚT YÊU CẦU KHỞI TỐ VỤ ÁN THEO ĐIỀU 155 BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015”

Cập nhật lúc: 20:37 19/12/2018

Sau khi Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực thi hành, việc áp dụng pháp luật các quy định theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) có nhiều quan điểm không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể:

QUAN ĐIỂM THỨ NHẤT:

Thứ nhất, tại giai đoạn sơ thẩm:

Trước khi mở phiên tòa: Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án;

Tại phiên tòa: Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án;

Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm: Trường hợp sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Tòa án phải hướng dẫn họ làm đơn kháng cáo để Tòa án cấp phúc phẩm xem xét giải quyết việc rút yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm.

Thứ hai, tại giai đoạn phúc thẩm:

Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của BLTTHS hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

QUAN ĐIỂM THỨ HAI:

Thứ nhất, tại giai đoạn sơ thẩm:  Quan điểm thứ hai cũng thống nhất với quan điểm thứ nhất không có vướng mắc.

Thứ hai, tại giai đoạn phúc thẩm: Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng vẫn tiếp tục mở phiên xét xử và xem xét là tình tiết giảm nhẹ mà không được hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án như quan điểm thứ nhất.

Tác giả hoàn toàn đồng ý về quan điểm thứ nhất và thứ hai về xử lý việc người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố tại giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Tuy nhiên, tác giả nhất trí với quan điểm thứ hai về xử lý về việc người khởi tố rút yêu cầu tại giai đoạn phúc thẩm vì các lẽ sau:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đỉnh chỉ...”. Như vậy, theo tinh thần của khoản 2 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và trên thực tiễn áp dụng Tòa án chỉ đỉnh chỉ vụ án nếu người đã yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm, còn tại phiên tòa sơ thẩm và giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu khởi tố vụ án thì không được đình chỉ mà tiếp tục giải quyết vụ án. Do vậy, việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm và giai đoạn xét xử phúc chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ...”. Như vậy, so với quy định tại khoản 2 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không hạn chế việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu trước khi mở phiên tòa sơ thẩm. Điều này, được đa số mọi người đều hiểu là việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu khởi tố trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa sơ thẩm thì vụ án đều được đỉnh chỉ. Do vậy, tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố tại giai đoạn xét xử sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Thứ hai, việc người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu tại giai đoạn xét xử thì tôi thấy cần làm rõ một số nội dung sau:

1. Về cơ sở pháp lý:

- Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định tính chất của xét xử phúc thẩm: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị...”. Điều đó có nghĩa tại giai đoạn xét xử phúc thẩm đã có một bản án kết án đối với bị cáo về một tội danh cụ thể, đã áp dụng hình phạt đối với bị cáo, đã xử lý vật chứng, đã tuyên trách nhiệm dân sự hoặc các biện pháp tư pháp khác cũng như tuyên án phí hình sự, án phí dân sự... theo quy định của pháp luật.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự: “1. khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này... ” (Tức là các trường hợp không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm)[1] thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

Tại khoản 2 Điều 359 quy định: “2. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án...”. Như vậy, tại Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định 08 căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự  thì có 07 căn cứ không được khởi tố vụ án vừa là căn cứ để hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án[2] (Trong đó đó có 02 căn cứ kèm theo hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án thì phải tuyên bị cáo không phạm tội); còn 1 căn cứ không khởi tố vụ án nhưng không được quy định là căn cứ hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án tại Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là tại khoản 8 Điều 157 quy định: “8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố”.

Mặt khác, Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: về người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố thì vụ án được đình chỉ là quy định chung chỉ phù hợp tại giai đoạn xét xử sơ thẩm còn tại giai đoạn xét xử phúc thẩm việc hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án phải tuân thủ các quy định tại chương xét xử phúc thẩm của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 mà cụ thể phải tuân thủ và đảm bảo có căn cứ theo quy định tại Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

 Như vậy, quan điểm cho rằng khi người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đỉnh chỉ vụ án là không có căn cứ pháp lý theo Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

- Về thực tiễn áp dụng:

Như đã phân tích ở trên thì bản án kết án bị cáo (hoặc các bị cáo) về một tội danh (hoặc nhiều tội danh) đã áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo, đã xử lý vật chứng, hoặc đã tuyên trách nhiệm dân sự hoặc các biện pháp tư pháp khác cũng như tuyên án phí hình sự, án phí dân sự... Nếu vận dụng theo quan điểm thứ nhất thì sẽ xảy ra tình huống người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố, Tòa án cấp phúc hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án thì là được hiểu là hủy toàn bộ bản án sơ thẩm hay chỉ hủy bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự?  

Nếu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án điều đó dẫn đến việc Tòa án xử lý như thế nào về xử lý vật chứng, đã tuyên trách nhiệm dân sự hoặc các biện pháp tư pháp khác cũng như tuyên án phí hình sự, án phí dân sự... mà Tòa án sơ thẩm đã tuyên ?

Thực tế có những vụ án có nhiều bị cáo, bị xét xử về nhiều tội danh trong đó có bị cáo kết án về tội danh thuộc quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; có bị cáo không bị kết án theo tội danh quy định tại Điều 155 nêu trên hoặc có một bị cáo kết án vừa về tội danh theo quy định tại Điều 155 vừa bị kết án về tội danh không thuộc quy định tại Điều 155 thì xử lý như thế nào nếu có trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố.

Trên đây, là quan điểm của tôi về “người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu ”  theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, rất mong nhận được ý kiến trao đổi ý kiến của các độc giả.


[1] Khoản 1; khoản 2 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

[2] Điều 157 Căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự: 1. Không có sự việc phạm tội; 2. Hành vi không cấu thành tội phạm; 3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; 4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; 5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; 6. Tội phạm đã được đại xá; 7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

Nguyễn Hữu Giáp