Một vài ý kiến về tình tiết "Có tính chất côn đồ"
Cập nhật lúc: 18:29 11/05/2018
Luật hình sự Việt Nam quy định “Phạm tội có tính chất côn đồ” là một tình tiết tăng nặng. Nó được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 với quy định là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và quy định tại một số tội phạm cụ thể là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.
Tuy nhiên trong thực tiễn Điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều nhận thức, cách hiểu và áp dụng tình tiết này khác nhau, kể cả trong công tác xét xử từ sơ thẩm, phúc thẩm hay giám đốc thẩm.
“Côn đồ” theo từ điển tiếng việt được hiểu là kẻ chuyên gây sự, hành hung, có những hành động ngang ngược, thô bạo.
Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995 giải thích “có tính chất côn đồ” là hành động của những tên:
- Coi thường pháp luật;
- Luôn phá rối trật tự trị an;
- Sẵn sàng và thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác;
- Vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự người khác.
Cũng cần phân biệt giữa “côn đồ” với “phạm tội có tính chất côn đồ”. Khi nói đến một con người côn đồ là nói đến một chủ thể cụ thể, còn “có tính chất côn đồ” là chỉ hành vi của con người khi thực hiện tội phạm. Một con người côn đồ khi thực hiện hành vi phạm tội chưa chắc đã có tính chất côn đồ.
Tại điểm c khoản 1 Điều 3 Bộ luật hình sự 2015 về nguyên tắc xử lý, quy định: “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”. Vậy côn đồ trong trường hợp này là con người “côn đồ” hay “phạm tội có tính chất côn đồ”. Theo bản thân, quy định trên áp dụng với con người có bản chất côn đồ là kẻ luôn coi thường pháp luật, thích gây gổ, hành hung xâm phạm tính mạng, danh dự, sức khỏe người khác, còn người “phạm tội có tính chất côn đồ” đã được pháp luật hình sự quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tăng nặng định khung hình phạt, là tình tiết được xem xét khi quyết định hình phạt, thì không nên áp dụng điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS 2015, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đồng thời bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật hình sự.
Vì vậy trong khi chưa có hướng dẫn áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” quy định trong Bộ luật hình sự 2015, để vận dụng đúng và khách quan đối với tình tiết này đòi hỏi chúng ta phải đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, như:
-Nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội,
-Thời gian, địa điểm, không gian tội phạm được thực hiện,
-Nhân thân người phạm tội…
Để từ đó đánh giá hành vi phạm tội của họ:
-Có coi thường pháp luật, có ý thức thách thức pháp luật không và ở mức độ như thế nào?
-Động cơ, mục đích, công cụ, phương tiện, thủ đoạn phạm tội là gì?
-Tương quan lực lượng, hậu quả pháp lý mà tội phạm gây ra.
Giúp chúng ta áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” được đúng đắn trong hoạt động xét xử, đạt được hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trên đây là một số ý kiến, nhận thức của bản thân về tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ”. Mong được sự đóng góp ý kiến, chia sẻ của bạn đọc.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?