Nghĩa vụ chứng minh, chứng cứ trong Tố tụng Dân sự - một số ý kiến trao đổi

Cập nhật lúc: 22:13 31/01/2022

Nghĩa vụ chứng minh của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản và đã được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng hiện nay vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần được nghiên cứu, trao đổi để áp dụng thống nhất.

1. Nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Tại điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự quy định “Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Tòa án “có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành, thu thập, xác minh chứng cứ trong trường hợp do Bộ luật này quy định.”

Vấn đề này được quy định cụ thể tại Chương VII của Bộ luật. Về cơ bản thì nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh luôn thuộc về đương sự, đương sự phản  

đối yêu cầu khởi kiện cũng phải cung cấp chứng cứ để chứng minh cho ý kiến của mình.

Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập chứng cứ thì có thể yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Đồng thời, quá trình giải quyết vụ án thì Tòa án cũng có thể tự mình thu thập chứng cứ thông qua một số hoạt động tố tụng như lấy lời khai, đối chất, trưng cầu giám định, xem xét, thẩm định tại chỗ…

2. Các tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.

Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh được quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể:

Điều 92. Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh

1. Những tình tiết, sự kiện sau đây không phải chứng minh:

a) Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận;

b) Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật;

c) Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp; trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ tính khách quan của những tình tiết, sự kiện này hoặc tính khách quan của văn bản công chứng, chứng thực thì Thẩm phán có thể yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực xuất trình bản gốc, bản chính.

2. Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh.

3. Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm vi đại diện.

3. Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Trong thực tiễn áp dụng hiện nay vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong việc thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ.

Một là, trong nhiều trường hợp, đương sự vẫn chưa thực hiện đầy đủ việc tự chủ động thu thập, chứng cứ. Mặc dù chưa chứng minh được việc không thể tự mình thu thập chứng cứ nhưng lại yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Vô hình chung lại đẩy nghĩa vụ chứng minh cho Tòa án. Bộ luật Tố tụng dân sự chưa quy định rõ thế nào là trường hợp “đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ” dẫn đến việc chỉ cần có đơn yêu cầu là Tòa án tiến hành thu thập cho đương sự, khiến cho vụ án kéo dài.

Hai là, tại khoản 4 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định “Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc”. Mặc dù đã được quy định cụ thể, tuy nhiên hiện nay do vẫn còn một số quan điểm khác nhau, dẫn đến trong một số trường hợp Bản án, Quyết định vẫn bị cơ quan có thẩm quyền hủy, sửa với lý do Tòa án chưa thu thập đầy đủ chứng cứ cũng gây ra khó khăn cho việc giải quyết của Tòa án các cấp.

Ba là, một số trường hợp khi Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ thì phát sinh vẫn đề chi phí thu thập chứng cứ. Tuy nhiên hiện nay Bộ luật Tố tụng dân sự chưa có quy định cụ thể về chi phí thu thập tài liệu chứng cứ và xử lý chi phí thu thập, tài liệu chứng cứ dẫn đến trường hợp các chi phí này là mặc dù là có nhưng không thể xử lý trong bản án, quyết định.

Bốn là, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trường hợp đương sự “không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra” dẫn đến trường hợp Tòa án gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ án. Ví dụ trường hợp trong vụ án Vay tài sản mà bị đơn đã được tống đạt hợp lệ thông báo thụ lý vụ án nhưng lại cố tình không hợp tác, không đến Tòa án làm việc thì có được coi là đương sự không phản đối hay không? Trường hợp này Tòa án tiến hành công khai chứng cứ, đưa vụ án ra xét xử hay phải tiến hành trưng cầu giám định chữ viết, chữ ký?

Năm là, khó khăn trong trường hợp xác định chứng cứ khi bị đơn thuộc trường hợp cố tình dấu địa chỉ. Tại Điều 6 Nghị quyết số 04/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án quy định “Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung”. Đây là trường hợp thường gặp trong thực tiễn. Cũng từ đây phát sinh vấn đề liên quan đến nghĩa vụ chứng minh và đang có một số cách hiểu chưa thống nhất đó là:

+ Quan điểm thứ nhất cho rằng: Khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện kèm theo các tài liệu chứng cứ để chứng minh việc khởi kiện mà bị đơn lại cố tình dấu địa chỉ hoặc không hợp tác làm việc thì nguyên đơn được coi là đã hoản thành nghĩa vụ chứng minh của mình. Lúc này nghĩa vụ chứng minh cho việc phản đối phải thuộc về bị đơn. Khi bị đơn cố tình dấu địa chỉ cũng đồng nghĩa với việc tự mình làm mất đi quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp này Tòa án đưa vụ án ra xét xử và trên cơ sở chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trong trường hợp sau khi chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, bản án có hiệu lực pháp luật mà bị đơn mới có ý kiến và đưa ra được chứng cứ làm thay đổi bản chất của vụ án thì chỉ có quyền yêu cầu cấp có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Trường hợp Bản án bị hủy thì chỉ được coi là khách quan.

+ Quan điểm thứ hai cho rằng: Việc chứng minh thuộc về cả nguyên đơn và bị đơn. Trong trường hợp bị đơn dấu địa chỉ thì nghĩa vụ chứng cứ vẫn thuộc về nguyên đơn. Nguyên đơn phải chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình dựa vào cơ sở khách quan, khoa học như phải tự thu thập chữ ký chữ viết của bị đơn để trưng cầu giám định hoặc phải tự thu thập chứng cứ khác để chứng minh cho Tòa án thấy yêu cầu của mình là có cơ sở... Khi có kết quả giám định hoặc có chứng cứ khác chứng minh yêu cầu của mình là có cơ sở thì mới được coi là hoàn thành nghĩa vụ chứng minh.Việc vắng mặt của bị đơn mặc dù là cố tính dấu địa chỉ tuy nhiên do chưa thu thập được ý kiến của bị đơn nên không thể coi là bị đơn không phản đối. Tòa án phải thực hiện đầy đủ các công việc kể trên mới có thể đưa vụ án ra xét xử.

4. Một số đề xuất, kiến nghị

Trong giai đoạn hiện nay, số lượng các vụ án dân sự do Tòa án thụ lý tăng mạnh theo từng năm, trong khi thời hạn tố tụng có hạn và một số trường hợp chưa nhận được sự hợp tác của đương sự. Điều này đặt ra áp lực rất lớn cho Tòa án trong việc vừa giải quyết vụ án đúng quy định, thời hạn luật định, vừa phải bảo đảm chất lượng xét xử từng vụ án. Để vấn đề chứng cứ, chứng minh trong tố tụng dân sự được áp dụng thống nhất, giúp rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, người viết có một số đề xuất như sau:

- Tòa án nhân dân Tối cao xem xét, hướng dẫn cụ thể các trường hợp:

+ Quy định nghĩa vụ chứng minh của đương sự khi không thể tự mình thu thập chứng cứ theo hướng trước khi yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ thì đương sự phải chứng minh bằng văn bản việc tự mình không thể thu thập chứng cứ.

+ Quy đinh cụ thể khi nào đương sự được coi là đã hoàn thành nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình và xử lý vấn đề chứng minh khi đương sự cố tình dấu địa chỉ hoặc không hợp tác.

+ Bổ sung quy định về Chi phí thu thập tài liệu chứng cứ, xử lý tạm ứng chi phí thu thập chứng cứ và nghĩa vụ chịu chi phí thu thập chứng cứ.

+ Hướng dẫn cụ thể trường hợp đương sự “không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra”.

Trên đây là một số quan điểm của người viết về vấn đề chứng cứ, chứng minh. Rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

Việt Tiệp – TAND huyện Ea H’Leo