Nguyễn B phạm 01 hay 02 tội?

Cập nhật lúc: 09:10 20/07/2023

Nội dung vụ án:

Vào năm 2016, L sinh năm 1992, trú tại phường B, thị xã H, làm lái xe chở hàng cho B. Đến tháng 12/2020 thì L nghỉ việc, trong thời gian này thì H (là vợ L) nghi ngờ giữa L và B có quan hệ nam nữ với nhau nên nhiều lần nhắn tin chửi B, đồng thời giữa H và B đã xảy ra xô xát với nhau. Khoảng 10 giờ ngày 17/3/2023 A, C và 02 thanh niên (chưa xác định được nhân thân) đến tại nhà B để hỏi mua hàng tạp hóa, sau đó cùng nhau đi đến phường B, thị xã H. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, B cùng A, C và 02 thanh niên về lại nhà B tại phường A, thị xã H. Khi đến gần cổng siêu thị Coop Mart thì B thấy H đang bán nước bên đường nên dừng ô tô lại. Lúc này, B đi đến gặp H để nói chuyện về việc H cho rằng B có quan hệ tình cảm nam nữ với L. Sau đó, giữa H và B có xảy ra to tiếng với nhau, do ở nơi đông người nên B nói với H đi về nhà để nói chuyện nhưng do L đi vắng và ở nhà không có ai nên H không đồng ý. Sau đó, B nói H đi về nhà của B nói chuyện thì H đồng ý. Lúc này, A, C và 02 thanh niên lên xe ô tô, H và B lên sau rồi cùng đi về nhà B tại phường A, thị xã H. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, khi đến nhà B dẫn H vào phòng khách và tiếp tục nói chuyện về việc H nghi ngờ B và L có quan hệ tình cảm nam nữ với nhau. Trong lúc nói chuyện B có chửi bới, dùng tay túm tóc và tát vào mặt của H khoảng 4-5 cái, B dùng chai nước và mũ cối ném vào người H. Bị đánh nên H nhiều lần yêu cầu cho H về nhưng B nói phải xin lỗi thì mới đồng ý cho H về. Lúc này, B nhớ đến việc H và L còn nợ mình 150 triệu đồng nên B yêu cầu H trả số tiền nợ, đồng thời nói H gọi điện cho L yêu cầu phải trả hết số tiền này cho B. H lấy điện thoại của mình gọi cho L nói trả nợ cho B. Đến khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, L đến ngân hàng TMCP N thị xã H chuyển vào số tài khoản của B số tiền 150 triệu đồng. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, sau khi H xin lỗi và nhận được tiền thì B cho H về.

Tại Bản kết luận giám định pháp y ngày 23/4/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh K, kết luận: H bị nhiều chấn thương phần mềm vùng đầu, cổ, cổ tay trái. Các chấn thương phần mềm không để lại di chứng, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 0%.

Trong quá trình nghiên cứu giải quyết vụ án này về cơ bản các ý kiến đều thống nhất xác định: Hành vi của B dùng tay tát vào mặt và dùng chai nước, mũ cối ném vào người H nhưng không gây thương tích nên hành vi này phải bị xử lý hành chính. Đối với A, C và 02 thanh niên đi cùng B không xác định được nhân thân và theo khai nhận của B thì B và các đối tượng trên không có thỏa thuận, bàn bạc gì và không tham gia việc giữ H tại nhà B nên không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự là phù hợp. Tuy nhiên, đối với B hiện vẫn còn có 02 quan điểm khác nhau về việc xác định B đã phạm 01 tội hay 02 tội, đó là: “Giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 BLHS và tội: “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 170 BLHS, cụ thể như sau:

 Quan điểm thứ nhất cho rằng: Do B đã có hành vi giữ H trái pháp luật tại nhà B ở phường A, thị xã H trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 16 giờ ngày 17/3/2023. Mặc dù, hành vi giữ người trái pháp luật của B xuất phát từ nguyên nhân do hai người mâu thuẫn. Vì, H nghi ngờ giữa B và chồng H là L có quan hệ tình cảm nam nữ. Dù với động cơ, mục đích gì thì cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của cấu thành tội “Giữ người trái pháp luật”. Do vậy, với biểu hiện của hành vi thể hiện ở việc uy hiếp H của B đã thỏa mãn dấu hiệu ở mặt khách quan của tội: “Giữ người trái pháp luật” tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 157 BLHS nên việc truy tố và xét xử đối với B về tội danh trên là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

Còn, đối với hành vi B yêu cầu H phải trả số tiền 150 triệu đồng; do, mục đích của B giữ H tại nhà mình nhằm bắt H phải xin lỗi việc H nghi ngờ B và chồng của H là L có quan hệ tình cảm nam nữ, không nhằm mục đích bắt H phải trả số tiền 150 triệu đồng nên không cấu thành tội: “Cưỡng đoạt tài sản”.

 Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: B phạm tội: “Giữ người trái pháp luật” theo quy định tại khoản 1 Điều 157 BLHS. Ngoài ra, B còn phạm thêm tội: “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 170 BLHS. Bởi các căn cứ sau:

Thứ nhất, về mặt lý luận để xác định một hành vi hay nhiều hành vi mà một hành vi hay nhiều hành vi đó có cấu thành một tội phạm hay các tội phạm khác nhau là vấn đề không hề mới. Mặc dù, trong thực tiễn còn có nhiều quan điểm khác nhau về mặt nhận thức pháp luật. Tuy nhiên, các vấn đề này hiện nay về cơ bản là vận dụng trên cơ sở tham khảo tại Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ số: 233/TANDTC-PC, ngày 01/10/2019 của TANDTC, trong đó có hướng dẫn:“Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.”.

Như vây, qua hướng dẫn trên cho chúng ta thấy chỉ đối với người thực hiện một hành vi mà hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Còn, đối với người thực hiện nhiều hành vi mà mỗi hành vi đều có cấu thành tội phạm độc lập sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội tương ứng với hành vi đó.

Thứ hai, trở lại vụ án nêu trên cho chúng ta thấy về mặt khách quan thì việc B có hành vi giữ H trái pháp luật tại nhà B ở phường A, thị xã H, tỉnh K trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 16 giờ ngày 17/3/2021 là trái pháp luật. Vì, B là người không có thẩm quyền và chức năng và H cũng không phải là đối tượng mà B có thể bắt giữ như phạm tội quả tang hoặc đang có lệnh truy nã. Chỉ vì lý do mâu thuẫn cá nhân mà B có hành vi giữ H trái pháp luật tại nhà mình. Về mặt chủ quan lỗi của B là lỗi cố ý trực tiếp. Còn, động cơ, mục đích để giải quyết mâu thuẫn giữa B và H thì đây không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội này. Với các mặt khách quan, chủ quan như trên thì hành vi của B đã xâm phạm đến khách thể là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tự do cá nhân của H. Do vậy, hành vi này của B đủ yếu tố cấu thành tội: “Giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 BLHS, cụ thể:

 “1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”.

Căn cứ để chứng minh hành vi của B có phạm thêm tội: “Cưỡng đoạt tài sản” hay không? Chúng ta cần đi vào phân tích B đã thực hiện một hay nhiều hành vi và có tính kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau và tính độc lập của các hành vi có tương ứng với cấu thành tội phạm mà B đã thực hiện trong vụ án này. Đối với hành vi: “Giữ người trái pháp luật” thì tội phạm đã hoàn thành kể từ thời điểm H yêu cầu B cho H về nhưng B không cho về (Đây được xác định là hành vi thứ nhất). Khi B nhớ đến việc H và L còn nợ 150 triệu đồng và yêu cầu H và L phải trả cho mình số tiền này (Đây được xác định là hành vi thứ hai). Như vậy, hành vi giữ H trái pháp luật tại nhà mình là tiền đề, điều kiện để B thực hiện hành vi sau là yêu cầu H và L trả nợ, hai hành vi này có tính độc lập với nhau. Chúng ta tiếp tục phân tích thêm về mặt tâm lý và tinh thần của H tại thời điểm bị giữ tại nhà B. Trước lúc diễn ra hành vi yêu cầu H và L trả nợ thì B đã dùng vũ lực như chửi bới, dùng tay túm tóc và tát vào mặt, dùng chai nước và mũ cối ném vào người H trong không gian, thời gian và địa điểm bị lệ thuộc tại nhà B. Mặt khác, ngoài B ra còn có mặt 04 người khác, mặc dù những người này không tham gia giữ H nhưng việc chỉ có một mình và bị B dùng vũ lực, đe dọa uy hiếp tinh thần trước đó làm H lo sợ nên không còn sự lựa nào khác là phải gọi điện thoại cho L để trả số tiền 150 triệu đồng cho B để được B cho ra về. Giữa hành vi và hậu quả chiếm đoạt được tài sản là 150 triệu đồng có mối quan hệ nhân quả với nhau. Mặt chủ quan của tội phạm này được xác định với lỗi cố ý trực tiếp và mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc về mặt chủ quan của cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Như vậy, hành vi khách quan nêu trên của B đã thỏa mãn dấu hiệu của cấu thành tội: “Cưỡng đoạt tài sản”. Tại quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc B giữ H tại nhà của mình với mục đích giải quyết mâu thuẫn cá nhân, không nhằm mục đích bắt H phải trả số tiền 150 triệu đồng nên không cấu thành tội: “Cưỡng đoạt tài sản” là không chính xác như đã phân tích ở trên.

Từ những phân tích, lập luận nêu trên, quan điểm của tác giả rằng phải truy tố, xét xử Nguyễn B về 02 tội, cụ thể: Tội: “Giữ người trái pháp luật”  quy định tại khoản 1 Điều 157 BLHS và tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 170 BLHS mới phù hợp, đúng pháp luật đảm bảo xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không làm oan hay bỏ lọt người, lọt tội.

Trên đây là quan điểm của tác giả về việc xác định trong vụ án nêu trên Nguyễn B phạm 01 tội hay 02 tội? Xin được trao đổi với các đồng nghiệp. Mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp ./.

Nguyễn Bá Nhất -TAND thị xã Buôn Hồ